Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng thường gặp nếu người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết. Cùng tìm hiểu những phương pháp điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường và những lưu ý liên quan trong quá trình điều trị qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một biến chứng của bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do lượng đường trong máu cao làm tổn thương phần sau của mắt. Bệnh có thể gây nên mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị.
Điều đáng mừng là phải mất vài năm thì bệnh võng mạc đái tháo đường mới có thể đe dọa đến thị lực của người bệnh. Vì vậy, việc tầm soát các biến chứng của đái tháo đường hàng năm là vô cùng cần thiết.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh võng mạc đái tháo đường
Võng mạc là lớp tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu thần kinh gửi đến não. Cơ quan này cần được cung cấp máu liên tục thông qua mạng lưới của các mạch máu nhỏ. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm hỏng mạch máu theo 3 giai đoạn:
– Bệnh võng mạc chưa tăng sinh: Xuất hiện các mạch máu nhỏ bị vỡ nhưng thường không ảnh hưởng đến thị lực.
– Bệnh võng mạc tiền tăng sinh: Những thay đổi lan rộng của các mạch máu dẫn đến tình trạng máu chảy vào mắt nhiều hơn.
– Bệnh võng mạc tăng sinh: Võng mạc bắt đầu tăng sinh hình thành nên các mạch máu mới. Tuy nhiên những mạch máu này thường mỏng manh nên dễ chảy máu vào vùng thủy tinh thể phía trước nên dẫn đến mất thị lực.
Có nhiều yếu tố có thể làm xuất hiện biến chứng võng mạc ở người mắc bệnh đái tháo đường như:
Thời gian mắc bệnh
Theo một số thống kê, người mắc đái tháo đường type 1 không ghi nhận bệnh lý võng mạc sau 5 năm kể từ lần đầu phát hiện đái tháo đường. Theo thời gian, tỷ lệ người bệnh xuất hiện các dấu hiệu của bệnh võng mạc ngày càng tăng như:
– Sau 10 -15 năm: 25-50% bệnh nhân nghiên cứu.
– Sau 15 năm: 75-95% bệnh nhân nghiên cứu.
– Sau 30 năm: 100% bệnh nhân nghiên cứu.
Ở người bệnh đái tháo đường type 2, tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường tăng lên theo thời gian mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh võng mạc được ghi nhận qua một số nghiên cứu như:
– Sau 11-13 năm: 23% bệnh nhân nghiên cứu.
– 14-16 năm: 41% bệnh nhân nghiên cứu.
– Sau 16 năm: 60% bệnh nhân nghiên cứu.
Tăng huyết áp
Cao huyết áp có mối liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện của bệnh võng mạc. Bình thường, tình trạng cao huyết áp đơn thuần cũng ảnh hưởng xấu đến võng mạc. Vì vậy, khi bệnh võng mạc tăng huyết áp và bệnh lý võng mạc đái tháo đường kết hợp sẽ khiến cho lưu lượng máu đến võng mạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thai kỳ
Những phụ nữ đang điều trị đái tháo đường mà trước khi mang thai chưa xuất hiện bệnh lý võng mạc thì có 10% nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc liên quan đến đái tháo đường.
Triệu chứng bệnh võng mạc đái tháo đường
Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ không cảm thấy bất kỳ sự thay đổi nào của thị lực nhưng dần dần ảnh hưởng của bệnh lý này dần tăng lên và làm xuất hiện một số triệu chứng như:
– Tầm nhìn mờ, méo mó.
– Không phân biệt được những thay đổi màu sắc.
– Quáng gà.
– Đốm đen trong tầm nhìn.
– Khó phân biệt những vật ở xa.
– Đau mắt, đỏ mắt.
– Mất thị lực đột ngột.
Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường thường chỉ điều trị khi ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh được phát hiện sớm nếu được sàng lọc kịp thời. Trong toàn bộ quá trình điều trị, việc kiểm soát đường máu là đặc biệt quan trọng.
Quản lý tốt đường máu
Điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường là kiểm soát tốt đường huyết để giúp ngăn ngừa những tiến triển không tốt liên quan đến thị lực. Ở giai đoạn nặng hơn, khi thị lực của người bệnh suy giảm nghiêm trọng, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu cũng giúp ngăn cản mức độ nặng của các triệu chứng.
Phương pháp điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn tiến triển
Điều trị bằng laser
Điều trị bằng laser được sử dụng để điều trị các mạch máu mới hình thành trong giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc tiểu đường. Sở dĩ có điều trị này là do các mạch máu mới rất yếu và thường gây chảy máu vào mắt.
Với điều trị bằng tia laser, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc gây tê tại chỗ để gây tê mắt kết hợp với việc sử dụng thuốc giãn đồng tử để giữ mí mắt mở. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để can thiệp vào các mạch máu mới tăng sinh trong võng mạc.
Thời gian điều trị thường mất 20 – 40 phút, không gây đau đớn và thường được thực hiện ngay trong ngày nên người bệnh không phải lo lắng đến việc phải nằm viện. Tuy nhiên, can thiệp này chỉ giải quyết “phần ngọn” nên người bệnh có thể phải điều trị nhiều lần.
Mặc dù là một thủ thuật có độ an toàn cao nhưng người bệnh cũng có thể xuất hiện một số tác dụng phụ của điều trị sau vài giờ:
– Mờ mắt.
– Dễ cảm thấy chói mắt với ánh sáng bình thường.
– Đau nhức và khó chịu mắt.
Ngoài ra, có một số biến chứng của điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường bằng tia laser được liệt kê như:
– Giảm tầm nhìn ngoại vi.
– Quáng gà.
– Xuất huyết võng mạc.
– Có điểm đen hay những vật thể trôi lơ lửng trong tầm nhìn.
Tiêm mắt
Trong một số trường hợp mắc bệnh hoàng điểm do đái tháo đường có thể tiêm trực tiếp một loại thuốc chống tăng sinh mạch để ngăn ngừa sự hình thành của các mạch máu mới ở võng mạc. Những loại thuốc này có thể ngăn chặn được tình trạng vỡ mạch máu thường xuyên xảy ra.
Tiêm mắt thường được thực hiện thường xuyên khoảng 1 tháng 1 lần. Sau khi tầm nhìn bắt đầu ổn định, bác sĩ có thể cân nhắc giảm số lần tiêm.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi thực hiện thủ thuật này như:
– Kích ứng mắt.
– Khó chịu.
– Ruồi bay trong thị trường.
– Chảy nước mắt.
– Khô mắt.
Cấy ghép thấu kính có chứa steroid
Trong trường hợp người bệnh không thể tiêm thuốc chống tăng sinh mạch máu, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh cấy ghép một thiết bị có chứa dexamethasone. Chất này sẽ được giải phóng từ từ trong vài tháng nên có thể cải thiện tình trạng viêm cũng như giúp thị lực của người bệnh.
Mặc dù có nhiều tác dụng nhưng nếu sử dụng thuốc chứa corticoid trong thời gian dài có thể dẫn tới các biến chứng như:
– Đau đầu.
– Tăng nhãn áp.
– Đục thủy tinh thể.
– Xuất huyết trong mắt.
– Đau mắt.
– Giảm thị lực.
Phẫu thuật mắt
Phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ một lượng thủy dịch ra khỏi mắt trong trường hợp có một lượng máu lớn tích tụ trong mắt hoặc xuất hiện mô sẹo rộng có khả năng gây bong võng mạc.
Sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ xuất hiện mờ mắt. Tình trạng này sẽ được cải thiện dần dần và mất vài tháng để thị lực trở lại bình thường.
Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau phẫu thuật loại bỏ dịch kính như:
– Đục thủy tinh thể.
– Bong võng mạc.
– Nhiễm trùng mắt.
Tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường
Tất cả người bệnh mắc đái tháo đường đều được khuyến cáo tầm soát ít nhất 2 năm/lần. Nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh cần thực hiện tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường vì:
– Bệnh thường diễn biến thầm lặng.
– Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn tới mù vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
– Sàng lọc giúp phát hiện sớm và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả những thông tin về điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường. Việc phát hiện sớm biến chứng này là vô cùng quan trọng nên người bệnh cần được tiến hành thăm khám và sàng lọc hàng năm.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về bệnh võng mạc đái tháo đường hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Diabetic retinopathy, NHS, truy cập ngày 31/05/2024
2. Diabetes-Related Retinopathy, Cleveland Clinic, truy cập ngày 31/05/2024
3. Diabetic Retinopathy, Medscape, truy cập ngày 31/05/2024