Mi mắt thường xuyên gặp những vấn đề gây mất thẩm mỹ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy viêm bờ mi là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa viêm bờ mi qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm bờ mi là gì?
Viêm bờ mi được định nghĩa là tình trạng mí mắt bị viêm. Bệnh lý này có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính mà trong đó mạn tính là tình trạng hay gặp hơn cả. Viêm bờ mi thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và có xu hướng tái phát sau khi đã điều trị khỏi.
Viêm bờ mi thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cấu trúc của mắt hay thị lực nhưng bệnh lý này có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có những loại viêm bờ mi nào?
Dựa vào vị trí xuất hiện của viêm tại bờ mi mà bệnh lý được chia thành 2 loại như:
– Viêm bờ mi mắt trên: Tình trạng viêm xuất hiện ở mi mắt trên. Mi mắt của người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng sưng, đỏ hoặc có màu sẫm hơn bình thường.
– Viêm bờ mi dưới: Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do tuyến Meibomius tiết dầu dưới mí mắt khiến cho dầu đặc lại và làm khởi phát viêm bờ mi.
Dấu hiệu viêm bờ mi
Các triệu chứng của viêm bờ mi thường nặng hơn vào buổi sáng hơn những buổi khác trong ngày. Một số dấu hiệu thường gặp của viêm bờ mi có thể kể đến như:
– Mí mắt sưng tấy, đỏ.
– Mí mắt xuất hiện nhiều chất nhờn.
– Mắt đỏ, khó chịu, ngứa và rát.
– Lông mi dễ rụng, mí mắt trên và dưới có xu hướng dính vào nhau.
– Xuất hiện nhiều gỉ xung quanh mí và khóe mắt.
– Khô mắt.
– Chảy nhiều nước mắt.
Trong một số trường hợp, viêm bờ mi trở nên nặng hơn có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
– Giảm thị lực.
– Nhạy cảm với ánh sáng, người bệnh đặc biệt khó chịu với những ánh sáng có cường độ mạnh. Đôi khi tình trạng này còn xuất hiện với việc nhạy cảm ánh sáng có cường độ bình thường.
– Lông mi mọc ngược về phía mắt gây nên những tổn thương cấu trúc bên trong.
Nguyên nhân viêm bờ mi
Viêm bờ mi là tình trạng do nhiều nguyên nhân gây nên. Đối với mi trên và mi dưới cũng có những nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này.
Nguyên nhân gây nên viêm bờ mi mắt trên
– Rosacea: Đây là tình trạng viêm da mạn tính thường xuất hiện trên mặt đặc biệt là má, mũi, trán, cằm. Bệnh lý này gây nên tình trạng đỏ mặt kéo dài và ảnh hưởng đến cả mí mắt.
– Dị ứng: Tình trạng dị ứng với dung dịch kính áp tròng, thuốc nhỏ mắt hoặc dụng cụ trang điểm có thể gây nên tình trạng viêm mí mắt.
– Viêm da tiết bã: Các lớp vảy bong nhiều lớp trên mặt, mi trên có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm vùng này.
– Khô mắt: Tình trạng khô mắt có thể làm xuất hiện những tình trạng mắt khô, đỏ, ngứa sẽ khiến người bệnh tăng dụi mắt và có thể dẫn tới viêm mí mắt.
– Rận lông mi: Rận lông mi có thể chặn các nang và tuyến ở lông mi gây nên tình trạng viêm bờ mi mạn tính.
Nguyên nhân gây nên viêm bờ mi dưới
Viêm bờ mi dưới chủ yếu được gây ra bởi sự bít tắc các tuyến thoát dịch ở vùng này. Một số nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến tình trạng này như:
– Rối loạn chức năng tuyến Meibomius: Khi tuyến Meibomius bị tắc, mắt có thể bị khô và dẫn tới tình trạng viêm và nhiễm trùng.
– Rosacea.
– Gàu hoặc bụi bẩn.
Những ai hay mắc viêm bờ mi?
Mặc dù, viêm bờ mi có thể gặp ở bất kỳ ai do bất cứ nguyên nhân nào. Tuy nhiên nếu có một số yếu tố sau đây thì bạn có nguy cơ mắc viêm bờ mi cao hơn những người khác:
– Đái tháo đường.
– Đeo kính áp tròng nhưng không vệ sinh thường xuyên hoặc đeo trong thời gian dài (đeo qua đêm).
– Tiếp xúc với bụi và hóa chất trong thời gian dài.
– Làm việc trong môi trường khô dài ngày (ngồi điều hòa nhiều).
– Không tẩy trang và chăm sóc mắt hàng ngày.
– Da dầu.
– Đang sử dụng một số thuốc điều trị ung thư.
– Phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh hoặc rối loạn nội tiết tố.
Viêm bờ mi có nguy hiểm không?
Viêm bờ mi không thể tự khỏi. Bệnh lý này nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về giác mạc như:
– Chắp: Xuất hiện vết sưng mí mắt nhỏ nhưng không gây đau.
– Loét giác mạc: Nhiễm trùng kéo dài kết hợp với sưng mí mắt có thể dẫn tới tình trạng loét giác mạc.
– Các vấn đề mí mắt: Viêm bờ mi mạn tính có thể khiến cho lông mi rụng, mọc lệch hướng.
Chẩn đoán viêm bờ mi
Để chẩn đoán chính xác viêm bờ mi, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử cũng như chỉ định một số xét nghiệm như:
– Khai thác bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và những bệnh lý kèm theo để xác định những yếu tố nguy cơ và định hướng nguyên nhân gây bệnh.
– Khám mí mắt: Đánh giá mí mắt xoay quanh các đặc điểm như mức độ sưng đỏ, chảy mủ hay sưng tấy để xác định được mức độ nghiêm trọng nhằm xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.
– Xét nghiệm dịch tiết: Sử dụng miếng gạc tiết từ mí mắt để xác định được vi khuẩn gây nên nhiễm khuẩn mí mắt.
– Xét nghiệm nước mắt: Đánh giá tình trạng khô mắt của người bệnh.
– Soi lông mi: Soi mẫu lông mi dưới kính hiển vi để phát hiện ký sinh trùng ký sinh ở vùng này.
– Sinh thiết mí mắt: Xét nghiệm này sẽ được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ tình trạng ung thư da.
Điều trị viêm bờ mi
Vệ sinh mí mắt là phương pháp điều trị chính và có hiệu quả trong đa số các trường hợp viêm bờ mi. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc đưa ra một số chỉ định phù hợp.
Phương pháp vệ sinh mí mắt mà người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà mang đến hiệu quả cao như:
– Chườm ấm khăn quanh mắt từ 5-10 phút để làm bong lớp vỏ mí mắt. Hơi ấm từ khăn có thể giúp mở các tuyến meibomius ở mí mắt giúp chất nhầy chảy ra ngoài.
– Xoa bóp nhẹ quanh mí mắt để chất lỏng từ các tuyến có thể thoát ra. Lưu ý, sử dụng áp lực nhẹ khi xoa bóp mí mắt để tránh kích ứng hoặc làm tăng tổn thương mắt.
– Lau nhẹ nhàng mí mắt bằng các dung dịch vệ sinh mắt theo tư vấn của bác sĩ.
Tùy theo nguyên nhân mà một số loại thuốc điều trị viêm bờ mi mắt sẽ được chỉ định thích hợp như:
– Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp nguyên nhân gây ra viêm bờ mi là vi khuẩn bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc mỡ kháng sinh như erythromycin, bacitracin, polymyxin B, trimethoprim để tiêu diệt vi khuẩn. Trong trường hợp các triệu chứng nặng hơn bình thường, bác sĩ sẽ cân nhắc kê thuốc uống để đảm bảo không xuất hiện những nhiễm trùng ở các cơ quan khác.
– Thuốc chống viêm: Trong trường hợp mí mắt sưng đau gây cản trở nhiều đến cuộc sống, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc chống viêm steroid để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng.
Ngoài ra, người bệnh sẽ được điều trị giảm nhẹ hoặc tận gốc các nguyên nhân dẫn tới viêm bờ mi để tránh hiện tượng tái phát.
Phòng ngừa viêm bờ mi
Có nhiều nguyên nhân mà người mắc viêm bờ mi không điều trị được. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thay đổi những thói quen chăm sóc mắt để giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý này:
– Đảm bảo tay, mặt và da đầu sạch sẽ.
– Không dụi mắt. Trong trường hợp mắt ngứa rát bạn có thể sử dụng các dung dịch rửa mắt có chứa các thành phần làm giảm cảm giác ngứa, nóng rát như Allantoin, Borneol.
– Tẩy trang thật kỹ trước khi đi ngủ và nên cân nhắc tây trang sạch sẽ những cặn trang điểm của mắt.
– Lau sạch nước mắt cũng như những dung dịch nước nhỏ mắt còn thừa bằng khăn ướt.
– Không đeo kính áp tròng khi đang mắc các bệnh về mắt.
– Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc dung dịch rửa mắt có thành phần như Chondroitin giúp ngăn cản sự bốc hơi của hơi nước để phòng chống khô mắt hiệu quả.
Một số câu hỏi về viêm bờ mi
Viêm bờ mi có lây không?
Viêm bờ mi không phải là một bệnh lây nhiễm nhưng nếu tình trạng nhiễm trùng xuất hiện do virus và vi khuẩn thì có thể liên quan đến các bệnh truyền nhiễm.
Nối mi có gây viêm bờ mi không?
Nối mi có thể gây nên viêm mí mắt và viêm bờ mi do việc sử dụng keo để dán mi giả vào mí mắt. Vì vậy, khi thực hiện nối mi, mọi người cần được thử dị ứng cẩn thận kết hợp vệ sinh đúng cách để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Mong bài viết đã giải đáp cho độc giả câu hỏi “Viêm bờ mi là gì?”. Đây là bệnh lý thường gặp nếu không xây dựng thói quen chăm sóc mắt đúng cách. Vì vậy, mọi người nên xây dựng thói quen chăm sóc mắt chuyên sâu để giảm nguy cơ xuất hiện bệnh lý này nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về viêm bờ mi hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Blepharitis, NCBI, truy cập 05/06/2024
2. What is blepharitis?, All About Vision, truy cập ngày 05/06/2024
3. Blepharitis, Cleveland Clinic. truy cập ngày 05/06/2024