Mí mắt bị sụp xuống là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều biến chứng nếu không được can thiệp thích hợp. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách xử trí sụp mí mắt qua bài viết dưới đây nhé!
Sụp mí mắt là gì?
Sụp mí mắt là tình trạng mí mắt trên bị chảy xệ xuống. Mí mắt sụp xuống có thể dẫn tới tình trạng tầm nhìn bị hạn chế. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể tự so sánh hai mắt với nhau và nhận thấy tình trạng sụp mí mắt 1 bên.
Dựa vào độ tuổi xuất hiện mà người ta chia trình trạng này thành hai loại:
– Bẩm sinh: Gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây nên tình trạng này xuất phát từ việc cơ nâng mi bị sụp bẩm sinh.
– Mắc phải: Xuất hiện vào giai đoạn sau này của cuộc sống. Bệnh xảy ra khi cơ nâng mi bị yếu do lão hóa hoặc bệnh lý liên quan.
Sụp mí mắt được nhận biết bằng tình trạng mí mắt che khuất tầm nhìn của người bệnh. Một số dấu hiệu đi kèm với triệu chứng này có thể kể đến như:
– Thường xuyên dụi mắt.
– Tăng chảy nước mắt.
– Suy giảm thị lực.
– Đau nhức mắt.
– Trẻ phải ngửa đầu ra sau để nhìn sự vật rõ hơn.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sụp mí mắt như yếu cơ, dây chằng do lão hóa, chấn thương hoặc bệnh lý. Đôi khi đây là kết quả của tổn thương thần kinh. Một số bệnh lý có thể dẫn tới mí mắt bị sụp có thể kể đến như:
– Bệnh nhược cơ nặng.
– Đột quỵ.
– Khối u ở mắt hoặc khối u não ảnh hưởng tới các cơ vận nhãn ở mắt.
– Liệt dây thần kinh số III – dây thần kinh chi phối một số cơ vận nhãn.
– Hội chứng Horner.
Hầu hết tình trạng sụp mí đều do quá trình lão hóa. Khi tuổi tác tăng, da sẽ yếu đi khiến cho các cơ mí mắt không thể hoạt động như bình thường. Điều này có thể dẫn tới tình trạng mí mắt bị sụp xuống.
Khi nào sụp mí mắt cần đến gặp bác sĩ?
Sụp mí mắt là tình trạng có thể ảnh hưởng đến thị lực. Vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
– Ảnh hưởng đến ngoại hình làm người bệnh tự tin khi tiếp xúc với người khác.
– Tự nhiên bị sụp mí mắt.
– Tầm nhìn đôi.
– Đau nhức mắt.
Khi trẻ bị sụp mí, cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa Mắt để được đánh giá về tình trạng. Trong một số trường hợp, trẻ sẽ được yêu cầu điều trị ngay để ngăn ngừa các vấn đề thị lực bất thường. Khi được phát hiện dấu hiệu này, trẻ cũng sẽ được tư vấn khám mắt định kỳ để đánh giá một số yếu tố bất thường.
Sụp mí mắt có tự khỏi không?
Do các nguyên nhân gây nên tình trạng sụp mí mắt thường không thể tự điều chỉnh nên sụp mí không thể tự khỏi được.
Trẻ bị sụp mí bẩm sinh cần được điều trị càng sớm, càng tốt để không ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực của trẻ. Một số biến chứng có thể gặp ở tình trạng này là:
– Loạn thị: Mí mắt tạo nên áp lực phía trước mắt có thể gây nên biến dạng tầm nhìn.
– Nhược thị: Các tật khúc xạ có thể gây nên một mắt yếu hơn bình thường.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sụp mí mắt bằng thăm khám lâm sàng qua so sánh hai mí mắt với nhau. Trong trường hợp cả hai mí mắt bị sụp thì sự so sánh này sẽ khó khăn hơn.
Ngoài quan sát, bác sĩ Nhãn khoa cũng sẽ thực hiện những thăm khám chuyên sâu như:
– Soi đáy mắt: Được sử dụng để đánh giá những cấu trúc sâu bên trong mắt để phát hiện tổn thương về giác mạc, võng mạc, dây thần kinh thị giác, đĩa thị giác, hoàng điểm,…
– Đánh giá thị trường: Đánh giá tầm nhìn ngoại vi tối đa mà mắt không cần di chuyển.
– Đánh giá chuyển động của mắt: sử dụng ánh sáng để đánh giá mức độ chuyển động của mắt theo đèn để xác định những vấn đề bất thường liên quan.
– Xét nghiệm Tensilon: Đây là loại thuốc chuyên dụng để chẩn đoán bệnh nhược cơ.
Điều trị
Để xem xét điều trị sụp mí mắt, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ hoạt động của các cơ này. Nếu tình trạng này không ảnh hưởng đến thị lực cũng như thẩm mỹ, người bệnh có thể không cần thực hiện điều trị.
Nếu sụp mí làm xuất hiện những vấn đề liên quan đến thị lực hay thẩm mỹ, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị. Điều trị sụp mí liên quan đến nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do bệnh lý hay lão hóa. Với nguyên nhân gây nên sụp mí là do lão hóa thì bác sĩ hay chỉ định phẫu thuật can thiệp tình trạng này.
Phẫu thuật sẽ được thực hiện bằng gây tê cục bộ với những đặc điểm như:
– Tạo một lỗ trên da mí mắt trên, tiến hành xác định cơ nâng mí và thắt chặt cơ để nâng mí mắt lên. Sau khi thực hiện xong, vết rạch sẽ được khâu lại phù hợp.
– Trong trường hợp can thiệp mí mắt dưới, bác sĩ sẽ tiến hành thắt chặt cơ mí mắt từ bên dưới để làm căng cơ này.
Sau phẫu thuật, hai mí mắt có thể không giống nhau. Trong tình huống này, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện lại phẫu thuật để chỉnh sửa chính xác. Một số biến chứng khác của phẫu thuật mí mắt như:
– Chảy máu.
– Nhiễm trùng.
– Tổn thương giác mạc.
– Mí mắt không được đóng kín.
– Sụp mí tái phát.
Trong trường hợp người bệnh bị sụp mí mắt mắc phải, bác sĩ sẽ kê thuốc oxymetazoline giúp cơ nâng mí hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, thuốc này không có tác dụng với tất cả nguyên nhân gây nên tình trạng sụp mí nên người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này.
Phòng ngừa
Tình trạng sụp mí mắt bẩm sinh không thể phòng ngừa được. Mặt khác, hầu hết tất cả các nguyên nhân gây nên tình trạng này cũng không thể phòng ngừa. Vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được xử trí phù hợp.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn kiến thức về sụp mí mắt. Khi tình trạng này không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì người bệnh nên thăm khám thường xuyên để được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng thói quen chăm sóc mắt hiệu quả để luôn có đôi mắt sáng khỏe nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin liên quan đến các bệnh lý về mắt hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
Ptosis (Droopy Eyelid), Cleveland Clinic, truy cập ngày 10/06/2024