Đau mắt đỏ là một bệnh thường gặp nhưng không phải ai cũng biết những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ. Cùng tìm hiểu một số loại thuốc nhỏ trị đau mắt đỏ và những lưu ý có thể bạn đã bỏ qua trong bài viết dưới đây nhé!
Các loại thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là thuật ngữ chung của các bệnh lý nhiễm trùng mắt do virus, vi khuẩn, dị ứng gây ra. Các yếu tố này khiến cho kết mạc (màng mỏng phủ lên mí mắt và nhãn cầu) đỏ, sưng và tăng tiết dịch. Ứng với mỗi nguyên nhân gây nên tình trạng đau mắt đỏ, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc chữa đau mắt đỏ hiệu quả nhất cho từng trường hợp.
Đau mắt đỏ do dị ứng
Các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, bụi có thể khiến cho mắt bị kích ứng gây nên tình trạng mắt đỏ, chảy nước mắt kèm theo ngứa và rát. Để điều trị tốt tình trạng này, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng những thuốc chống dị ứng kết hợp với chăm sóc để làm giảm triệu chứng cho người bệnh.
– Thuốc kháng histamin dùng tại chỗ: Đây là thuốc nhỏ mắt hoạt động bằng cách ngăn cản sự hình thành của histamin – chất tham gia vào phản ứng dị ứng của của cơ thể. Một số thuốc nhỏ mắt thường được sử dụng là bepotastine, emedastine và epinastine .
– Corticoid tại chỗ: Corticoid là chất giúp chống viêm hiệu quả cũng như giảm phản ứng dị ứng của cơ thể trước những kích thích khác nhau. Một số loại thuốc nhỏ mắt chứa corticoid được sử dụng trên lâm sàng là prednisolone, flumetholon, loteprednol .
– Thuốc kháng histamin đường uống: Vì phản ứng dị ứng là phản ứng toàn cơ thể nên bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng một số thuốc kháng histamin toàn thân như fexofenadine, loratadine, desloratadine, cetirizine và levocetirizine .
Ngoài sử dụng các thuốc để khắc phục tình trạng dị ứng, người bệnh cũng nên sử dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm nhanh các phản ứng dị ứng của cơ thể:
– Chườm lạnh quanh mắt.
– Sử dụng nước mắt nhân tạo để loại bỏ chất dị ứng.
– Tránh tiếp xúc với chất gây nên dị ứng nhiều nhất có thể.
Đau mắt đỏ do virus
Thông thường, tình trạng đau mắt đỏ do virus gây nên sẽ tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc trong quá trình điều trị. Trong một số trường hợp nguyên nhân dẫn tới viêm kết mạc là do một số virus nguy hiểm hơn, bác sĩ có thể cân nhắc kê một số loại thuốc kháng virus như:
– Trifluridine: Được sử dụng cho những trường hợp nhiễm virus HSV (virus Herpes).
– Ganciclovir: Đây là thuốc có thể kê trong quá trình điều trị đau mắt đỏ do virus Herpes, virus thủy đậu, zona.
– Acyclovir: Đây là chất có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus – đặc biệt phù hợp trong điều trị virus herpes. Ngoài ra, còn có Valacyclovir là một tiền chất có thể chuyển thành acyclovir.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Với đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng. Các triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể cải thiện sau 2-5 ngày sử dụng thuốc. Một số kháng sinh được sử dụng trong tình trạng này là:
– Polymyxin b/trimethoprim (Tên biệt dược: Polytrim).
– Ciprofloxacin (Tên biệt dược: Ciloxan).
– Ofloxacin (Tên biệt dược: Ocuflox).
– Levofloxacin (Tên biệt dược: Iquix, Quixin).
– Moxifloxacin (Tên biệt dược: Moxeza, Vigamox).
– Gatifloxacin (Tên biệt dược: Zymaxis).
– Azithromycin (Tên biệt dược: AzaSite).
– Bacitracin (Tên biệt dược: Baciguent).
– Erythromycin (Tên biệt dược: Ilotycin).
– Ciprofloxacin (Tên biệt dược: Ciloxan).
Lưu ý, thời gian sử dụng thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt này phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá của bác sĩ đối với những triệu chứng của người bệnh. Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện khi sử dụng kháng sinh như ngứa mắt, kích ứng mắt, mắt đỏ hơn trước khi dùng thuốc.
Đối với tình trạng đau mắt đỏ do nguyên nhân nhiễm trùng gây ra, người bệnh nên thực hiện thêm những biện pháp sau đây để làm giảm các triệu chứng của đau mắt đỏ:
– Chườm ấm quanh mắt.
– Dùng khăn sạch mỗi lần lau mắt.
– Tránh chạm tay vào mắt.
– Vệ sinh tay thường xuyên.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Những cách trị đau mắt đỏ bạn cần biết
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ
Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ một số bước nhỏ mắt sau:
– Rửa tay kỹ bằng xà phòng.
– Tháo kính áp tròng.
– Lắc thuốc nhỏ mắt và tháo nắp, lưu ý ở bước này người bệnh cần tránh chạm tay vào đầu ống nhỏ giọt.
– Nghiêng đầu ra sau và nhìn lên trên.
– Dùng một ngón tay kéo nhẹ mí mắt xuống dưới.
– Giữ ống nhỏ giọt trên mí mắt, đảm bảo không chạm bất kỳ thành phần nào của chai vào mắt.
– Bóp chai thuốc nhỏ mắt đúng với số giọt quy định.
– Nhắm mắt ấn nhẹ ngón tay vào khóe mắt trong vòng vài phút để mắt có thể hấp thu tốt nhất thuốc nhỏ mắt.
– Trong trường hợp cần nhỏ nhiều loại thuốc nhỏ mắt, người bệnh cần có kế hoạch sử dụng hai loại cách nhau ít nhất 30 phút.
– Rửa tay lại sau khi nhỏ thuốc vào mắt.
Một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy hầu hết những người bị đau mắt đỏ đều đang được điều trị sai cách. Có khoảng 60% người bệnh được kê đơn thuốc nhỏ mắt là kháng sinh mặc dù virus mới là nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ nhiều nhất. Ngoài ra, có khoảng 20% ghi nhận thuốc nhỏ mắt có chứa steroid làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng ở người đau mắt đỏ. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng những thuốc cần bác sĩ kê đơn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Những việc cần làm khi bị đau mắt đỏ
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên thực hiện một số những lưu ý sau để tránh tình trạng lây nhiễm cũng như làm giảm triệu chứng của bệnh:
– Sử dụng nước mắt nhân tạo không cần kê đơn để giảm kích ứng cũng như rửa sạch những chất gây dị ứng trong mắt. Thuốc này chỉ được sử dụng tối đa 4 lần. Trong trường hợp bạn cần sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên hơn, bạn nên cân nhắc mua nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản.
– Đắp gạc mát hoặc khăn lau lên mắt vài lần trong một ngày.
– Sử dụng khăn sạch để vệ sinh mắt hàng ngày.
– Tránh các tác nhân hoặc chất kích thích gây ảnh hưởng xấu đến mắt. Trong trường hợp liên tục xuất hiện các triệu chứng của đau mắt đỏ nhưng không phát hiện nguyên nhân gây dị ứng, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được đánh giá chính xác.
– Rửa tay thường xuyên.
– Hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù tình trạng đau mắt đỏ thường được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu người bệnh có những dấu hiệu dưới đây thì nên đến các cơ sở Nhãn khoa để được thăm khám và điều trị:
– Đau nhức mắt dữ dội.
– Giảm thị lực.
– Nhạy cảm với ánh sáng.
– Các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần và không có xu hướng giảm đi.
– Xuất hiện một lượng lớn mủ ở mắt.
– Xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng khác như sốt cao, rét run.
Đau mắt đỏ là tình trạng gây lo lắng cho nhiều người. Việc trang bị kiến thức cho mọi người trong việc sử dụng thuốc cũng như xử trí cần được chú ý nhiều hơn để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về đau mắt đỏ hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Best Eye Drops For Pink Eye (Conjunctivitis): A 2024 Guide, Forbes Health, truy cập ngày 20/05/2024
2. Types of eye drops for pink eye, Medical News Today, truy cập ngày 20/05/2024
3. When Do You Need Antibiotics for Pink Eye?, American Of Ophthalmology, truy cập ngày 20/05/2024
4. Home Remedies for Bloodshot Eyes, American Of Ophthalmology, truy cập ngày 20/05/2024
5. Viral Conjunctivitis (Pink Eye) Medication, Medscape, truy cập ngày 20/05/2024