Bệnh Glocom thường được biết đến với cái tên “kẻ cắp thị lực thầm lặng”. Vậy tại sao bệnh lý này lại được gọi như thế. Cùng tìm hiểu bệnh Glocom là gì và những thông tin liên quan qua bài viết dưới đấy nhé!
Bệnh Glocom là gì?
Bệnh Glocom hay còn có tên gọi khác là bệnh tăng nhãn áp. Đây là thuật ngữ chung được sử dụng để nói về tình trạng rối loạn cấu trúc và chức năng khiến dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Đây là dạng tổn thương thần kinh thị giác phổ biến nhất gây ra mất thị lực.
Sở dĩ bệnh lý này có tên gọi là tăng nhãn áp là do chất lỏng tích tụ ở trong mắt làm tăng áp lực trong mắt và dần dần làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh lý này nếu không được điều trị và theo dõi kịp thời sẽ dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn gây nên mù lòa.
Nguyên nhân bệnh Glocom
Yếu tố quan trọng nhất dẫn tới bệnh lý glocom là quá trình tăng áp lực nội nhãn quá mức. Bình thường, mắt tạo nên một chất lỏng gọi là thủy dịch để nuôi dưỡng các thành phần của mắt. Chất lỏng này đi từ đồng tử và thoát ra ngoài qua các kênh giữa mống mắt và giác mạc. Khi chất lỏng này tích tụ quá mức sẽ làm tăng áp lực tại mắt và gây hỏng thần kinh thị giác.
Phân loại bệnh Glocom
Dựa vào nguyên nhân dẫn tới tổn thương thị giác mà người ta chia glocom thành một số loại như:
– Tăng nhãn áp góc mở: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tăng nhãn áp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do vùng thoát nước ra khỏi mắt bị tắc nghẽn. Vì lý do này, các triệu chứng thường diễn biến từ từ cho đến khi áp lực trong mắt khiến cho dây thần kinh bị phá hủy hoàn toàn.
– Tăng nhãn áp góc đóng: Bệnh lý này hiếm gặp hơn rất nhiều so với tăng nhãn áp góc mở. Bệnh lý này xảy ra khi góc tạo bởi mống mắt và giác mạc bị hẹp. Khi đồng tử giãn to quá nhanh có thể khiến cho chất lỏng bị giữa lại làm áp lực chất lỏng trong mắt tăng.
– Tổn thương thị giác nhưng nhãn áp không tăng: Mặc dù không biết được nguyên nhân dẫn tới bệnh lý này nhưng hàng năm các bác sĩ cũng phát hiện nhiều tình trạng tổn thương thị giác nhưng nhãn áp không tăng.
– Tăng nhãn áp bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra với hệ thống thoát dịch không đúng cách có thể dẫn tới tình trạng tăng nhãn áp bẩm sinh.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Tiết lộ những điểm khác biệt giữa glocom góc mở và góc đóng
Triệu chứng Glocom
Glocom ngoài tên gọi tăng nhãn áp còn được biết đến với tên gọi kẻ cắp thị lực thầm lặng. Sở dĩ có tên gọi này là do không có triệu chứng nào giúp nhận biết sớm về bệnh lý này, các dấu hiệu thay đổi dần dần cho đến khi các dây thần kinh bị phá hủy một cách đáng kể. Glocom góc đóng thường có xu hướng xuất hiện đột ngột với các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Với bất kỳ loại bệnh Glocom nào, người bệnh cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
– Đau nhức mắt.
– Đau đầu dữ dội.
– Xuất hiện quầng sáng xung quanh đèn.
– Thị lực kém.
– Xuất hiện điểm mù.
– Buồn nôn.
– Mắt đỏ.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Những điều thú vị xung quanh câu hỏi “thị lực 20/20 là gì?”
Bệnh glocom có nguy hiểm không?
Ước tính cứ 10 người mắc bệnh tăng nhãn áp thì có ít nhất 1 người bị suy giảm thị lực ở một mức độ nào đó. Mù loa thường gặp ở 5% số người bị tăng nhãn áp. Điều đáng buồn là không thể chữa được bệnh Glocom nên việc phát hiện sớm và cải thiện triệu chứng là vô cùng cần thiết.
Chẩn đoán glocom
Do bệnh lý này thường khó phát hiện nên bệnh chỉ có thể được phát hiện bằng khám mắt. Để kiểm tra người bệnh có mắc glocom hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám một số vấn đề như:
– Khám mắt kết hợp nhỏ thuốc giãn đồng tử: Quan sát rõ hơn những cấu trúc phía sau mắt.
– Soi góc tiền phòng: Đánh giá góc tạo bởi mống mắt và giác mạc có hẹp hay không.
– Chụp cắt lớp võng mạc (OCT): Đánh giá những thay đổi thần kinh thị giác để chẩn đoán tăng nhãn áp.
– Đo nhãn áp: Đánh giá nhãn áp có nằm trong khoảng bình thường hay không.
– Đo độ dày giác mạc.
– Đo thị lực.
– Đánh giá thị trường: Đánh giá xem thị trường hai bên có bị thu hẹp hay không.
Điều trị bệnh glocom
Bệnh Glocom nếu không được điều trị có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn. Các phương pháp điều trị có thể làm chậm tình trạng mất thị lực chứ không thể đảo ngược quá trình tổn thương thị lực đã mất. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
– Thuốc điều trị tăng nhãn áp: Một số loại thuốc nhỏ mắt sẽ làm giảm sản xuất chất lỏng và tăng cường thoát nước ra khỏi nhãn cầu. Với những loại thuốc này, người bệnh phải sử dụng suốt đời.
– Liệu pháp laser: Sử dụng năng lượng của tia laser giúp cải thiện được đường thoát của thủy dịch. Phương pháp này không toàn diện nên phải phối hợp thêm thuốc điều trị tăng nhãn áp.
– Phẫu thuật: Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ cân nhắc các loại phẫu thuật phù hợp với người bệnh. Can thiệp này thường đem lại hiệu quả nhanh hơn thuốc nhỏ mắt và tia laser.
Những thắc mắc về bệnh Glocom
Phương pháp điều trị tăng nhãn áp tốt nhất là gì?
Lưu ý, không có phương pháp điều trị tăng nhãn áp hiệu quả nhất chỉ có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của người bệnh nhất. Vì vậy, người bệnh nên thực hiện những thăm khám để lựa chọn những phương án điều trị phù hợp.
Khi nào nên tầm soát tăng nhãn áp?
Như đã đề cập ở trên, việc phát hiện và điều trị sớm tăng nhãn áp sẽ giúp giảm sự tiến triển của bệnh, hạn chế nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Cụ thể là:
– Đối tượng nguy cơ cao sau tuổi 35: 1-3 năm/lần.
– Từ 40-54 tuổi: 1-3 năm/lần.
– Từ 55-64 tuổi: 1-2 năm/lần.
– Sau 65 tuổi: 6-12 tháng/lần.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Mặc dù, bệnh glocom thường khó phát hiện nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể diễn biến đột ngột. Vì vậy, nếu gặp những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
– Tầm nhìn giảm.
– Thấy chớp sáng.
– Đau mắt dữ dội.
– Nhạy cảm với ánh sáng.
– Mất thị lực.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả những thông tin cho câu hỏi “bệnh Glocom là gì?”. Đây là một bệnh lý diễn biến thầm lặng vì vậy, mọi người đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao cần thực hiện khám mắt định kỳ để sớm phát hiện những vấn đề của mắt.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về bệnh glocom hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
Glaucoma, Cleveland Clinic, truy cập ngày 27/05/2024