Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh là gì?

Xuất bản: UTC +7

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh là giai đoạn đầu của biến chứng mắt ở bệnh lý tiểu đường. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các vấn đề liên quan đến giai đoạn này ở bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tiểu đường qua bài viết sau.

Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Võng mạc là một cấu trúc nằm ở phía sau mắt, giúp phát hiện ánh sáng và gửi thông tin nhận được đến não bộ qua dây thần kinh thị giác. Bệnh võng mạc tiểu đường là bệnh lý xuất hiện sau một thời gian dài mắc bệnh tiểu đường. Bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mất thị lực ở người lớn tuổi. 

Bệnh võng mạc tiểu đường xuất phát từ sự tổn thương mạch máu nhỏ ở võng mạc

Do ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường thường mờ nhạt, nên việc khám và sàng lọc biến chứng này ở người mắc tiểu đường luôn được các bác sĩ lưu tâm.

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh có những giai đoạn nào?

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh (NPDR) bao gồm 3 giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường. Sự không tăng sinh này mô tả cho việc chưa xuất hiện các mạch máu tăng sinh.

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh có thể tiến triển thành tình trạng tăng sinh ở võng mạc (PDR). Đây là giai đoạn cuối cùng và có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thị lực.

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh sẽ trải qua 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: NPDR nhẹ

Đây là giai đoạn sớm nhất. Bệnh ghi nhận sự xuất hiện của các vết phồng nhỏ trong mạch máu võng mạc. Các bác sĩ gọi đây là các vi phình mạch. Giai đoạn này phổ biến ở những người mắc đái tháo đường.

Các vi phình mạch có thể xuất hiện nhiều ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm

Các vi phình động mạch thường xuất hiện dưới dạng chấm đỏ nhỏ trên võng mạc và có thể làm rò rỉ một lượng máu nhỏ. Điều này khiến cho hoàng điểm sưng phồng. 

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào vì NPDR nhẹ sẽ không ảnh hưởng đến thị lực của một người. Người bệnh có thể không cần điều trị ở giai đoạn này, nhưng nếu xác định được những thay đổi trong giai đoạn này thì bác sĩ cũng sẽ khuyên người bệnh thực hiện một số can thiệp để bệnh lý này không tiến triển thêm.

Giai đoạn 2: NPDR giai đoạn trung bình

Ở giai đoạn này các vi mạch tiếp tục sưng phồng, cản trở tới lưu lượng máu đến võng mạc. Điều này khiến cho võng mạc ít nhận được chất dinh dưỡng hơn bình thường. NPDR ở giai đoạn trung bình sẽ phát sinh  nhiều vi phình mạch hơn.

Trong trường hợp máy và chất lỏng tích tụ ở điểm vàng, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng mờ mắt. Một nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra rằng, có 17,6% người bị NPDR mức độ trung bình sẽ tiến triển thành NPDR mức độ nặng hơn hoặc PDR trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.

Giai đoạn 3: NPDR nặng

Khi vi phình mạch xuất hiện ngày càng nhiều, tình trạng tắc nghẽn sẽ xảy ra ở phần lớn các mạch máu trong võng mạc. Điều này làm giảm đáng kể lưu lượng máy đến võng mạc. Khi bác sĩ phát hiện được sự phân nhánh bất thường trên các vi phình mạch thì tình trạng NPDR nặng được chẩn đoán.

Sự hiện diện của các mạch máu phân nhánh biểu thị sự tái tạo mạch máu mới trong võng mạc. Các mạch máu nhỏ này cực kỳ dễ vỡ và có thể dẫn tới một số triệu chứng như:

– Mờ mắt.

– Đốm đen hay ruồi bay trong tầm nhìn.

– Mất thị lực ở một số vị trí.

Triệu chứng

Ở giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện những vệt bẩn trong tầm nhìn

Các triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh thường không xuất hiện cho đến khi có những tổn thương lớn bên trong mắt. Một số triệu chứng có thể gặp trong giai đoạn này là:

– Mờ mắt.

– Mất thị lực.

– Nhìn thấy vật thể trôi nổi trong tầm nhìn.

– Khó nhận biết sự vật vào ban đêm.

– Khó khăn trong việc phân biệt màu sắc.

Điều trị

Mục tiêu của điều trị bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh không phải là điều trị khỏi mà là hướng tới làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trong giai đoạn đầu của NPDR không tăng sinh, người bệnh sẽ được tiến hành theo dõi sát sao (2-4 tháng /lần) kết hợp với thay đổi chế độ sinh hoạt cũng như điều trị phù hợp để kiểm soát lượng đường trong máu.

Điều trị bệnh lý võng mạc do bệnh tiểu đường vẫn lấy kiểm soát đường huyết làm mục tiêu

Cốt lõi của việc điều trị bệnh lý này vẫn là kiểm soát tốt lượng đường trong máu để tránh làm ảnh hưởng thêm đến võng mạc.

Ở những giai đoạn nặng hơn, bác sĩ sẽ sử dụng laser để ngăn cản tình trạng rò rỉ máu ở các vi mạch. Can thiệp này sẽ giúp giảm sưng cũng như tổn thương võng mạc.

Làm sao để ngăn ngừa tiến triển?

Một chiến lược hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những biến chứng về mắt của bệnh tiểu đường là việc kiểm soát tốt đường máu cũng như những yếu tố nguy cơ xung quanh. Cụ thể là:

– Duy trì HbA1c dưới 7%.

– Kiểm soát tốt huyết áp, lý tưởng nhất là dưới 130/80mmHg. Tuy nhiên, mức độ huyết áp còn phụ thuộc vào từng trường hợp của người bệnh.

– Giảm mức độ rối loạn lipid máu (mỡ máu).

Để đạt được những mục tiêu này, người mắc tiểu đường cần thực hiện một vài thói quen như:

– Khám mắt và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

– Chú ý những thay đổi liên quan đến thị lực.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Tuân thủ chế độ ăn phù hợp.

– Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn các thông tin liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh. Việc phát hiện sớm bệnh lý này là vô cùng quan trọng để có những sự thay đổi cần thiết trong chiến lược điều trị.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. What is the difference between NPDR and PDR?, Medical News Today, truy cập ngày 20/07/2024

2. What are the different stages of diabetic retinopathy?, Medical News Today, truy cập ngày 20/07/2024

3. Non Proliferative Diabetic Retinopathy, Dr Agarwal, truy cập ngày 20/07/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *