Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng hay gặp nếu không kiểm soát tốt đường máu. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể dẫn tới mù lòa vĩnh viễn. Cùng tìm hiểu bệnh võng mạc tiểu đường là gì và những vấn đề liên quan qua bài viết sau.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?
Bệnh võng mạc tiểu đường là một rối loạn mạch máu nhỏ xảy ra do bệnh lý đái tháo đường diễn ra trong thời gian dài. Bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến tổn thương võng mạc, đe dọa đến thị lực. Đây là biến chứng về mắt nghiêm trọng và thường gặp nhất của bệnh tiểu đường.
Biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường trải qua những giai đoạn nào?
Bệnh võng mạc do tiểu đường gây ra trải qua hai giai đoạn chủ yếu là bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh và bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh.
Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh mắt do tiểu đường. Ở giai đoạn này, các mạch máu nhỏ bị vỡ khiến cho võng mạc sưng lên. Trường hợp vùng trung tâm võng mạc (hoàng điểm) bị ảnh hưởng được gọi là tình trạng phù hoàng điểm. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến những người tiểu đường mất thị lực.
Ngoài ra, các mạch máu ở võng mạc có thể xuất hiện cục máu đông gây thiếu máu cục bộ tại điểm vàng khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng.
Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh
Ở giai đoạn sau khi mạch máu trong mắt bị tổn thương, võng mạc sẽ bắt đầu tăng sinh những mạch máu mới để thay thế cho tế bào bị tổn thương. Những mạch máu này thường mỏng manh nên dễ dàng chảy máu. Mạch máu mới thường phát triển vào thủy tinh thể nên chỉ cần tổn thương một chút, tầm nhìn của người bệnh có thể xuất hiện đốm đen trong tầm nhìn.
Triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường
Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi bước vào giai đoạn mạch máu tăng sinh, người bệnh có thể xuất hiện một số dấu hiệu như:
– Tầm nhìn mờ, méo mó.
– Màu sắc nhạt dần, không thể phân biệt được nhiều màu sắc như bình thường.
– Tầm nhìn kém vào ban đêm.
– Xuất hiện những vệt đen hoặc vật thể bay lơ lửng trong tầm nhìn.
– Không nhìn thấy những vật ở xa.
Biến chứng bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về thị lực như:
– Xuất huyết vùng thủy tinh thể: Mạch máu mới hình thành mỏng, dễ bị tổn thương nên có trường hợp, máu sẽ lan tràn hết khoảng thủy tinh thể gây cản trở tầm nhìn. Tuy nhiên, xuất huyết thủy tinh thể không làm mất thị lực vĩnh viễn, máu sẽ chảy ra khỏi mắt sau vài tuần hoặc vài tháng.
– Bong võng mạc: Các mạch máu bất thường sẽ kích thích sự phát triển của mô sẹo khiến cho võng mạc lệch khỏi vị trí ban đầu. Điều này có thể làm xuất hiện đốm nổi trong tầm nhìn hoặc gây ra mất thị lực.
– Mất thị lực: Tình trạng phù hoàng điểm có thể gây nên mất thị lực hoàn toàn.
Chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường
Khám mắt giúp bác sĩ xác định được biến chứng tại võng mạc do tiểu đường gây ra. Một số xét nghiệm được thực hiện trong trường hợp này như:
– Đo thị lực.
– Đo nhãn áp.
– Đánh giá tầm nhìn ngoại vi (tầm nhìn tối đa ở hai bên khi mắt nhìn thẳng).
– Quan sát võng mạc: Xét nghiệm này bác sĩ sẽ dùng thuốc khiến đồng tử giãn ra và tiến hành quan sát tình trạng mạch máu trong võng mạc.
– Chụp mạch huỳnh quang hoặc chụp cắt lớp nhãn cầu nhằm mục đích đánh giá tốt hơn sự phát triển của mạch máu trong võng mạc.
Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường
Ở giai đoạn đầu khi mới xuất hiện những tổn thương ở võng mạc, bác sĩ sẽ chú trọng đến việc điều trị tốt đường máu và tiến hành theo dõi thị lực cũng như mức độ tổn thương võng mạc theo thời gian.
Khi tổn thương võng mạc nặng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn một số phương án điều trị như:
– Tiêm thuốc: Sử dụng một số loại thuốc ngăn cản sự tăng trưởng của nội mô mạch máu hoặc corticoid vào mắt để làm chậm quá trình tăng sinh mạch máu mới cũng như cải thiện thị lực.
– Laser: Sử dụng tia laser để làm giảm tình trạng sưng tấy võng mạc cũng như ngăn sự phát triển của các mạch máu mới.
– Cắt dịch kính: Đây là can thiệp giúp cắt bỏ phần dịch kính (ở sau thủy tinh thể) để loại bỏ mô sẹo cũng như sửa chữa các mạch máu bất thường.
⇒Bạn có thể xem thêm bài viết sau: Có những cách điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường nào?
Phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường
Với những người bệnh tiểu đường, để tránh xuất hiện biến chứng về mắt nên thực hiện tốt những vấn đề sau:
– Kiểm soát đường huyết tốt. Người bệnh đảm bảo thay đổi chế độ ăn và tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.
– Tập thể dục thường xuyên.
– Khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, tần suất khám mắt thường được khuyến cáo ở người bệnh đái tháo đường là 1 năm/lần và phụ nữ đái tháo đường thai kỳ cần phải đảm bảo khám mắt trong ba tháng đầu.
– Tuân thủ dùng các thuốc về mắt điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Giữ huyết áp trong khoảng khỏe mạnh.
Bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường đều có nguy cơ mắc những bệnh lý liên quan đến tổn thương võng mạc. Nếu không được can thiệp kịp thời tình trạng này có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, với những bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết và khám mắt thường xuyên là một trong những điểm cần thực sự lưu ý.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về bệnh võng mạc tiểu đường hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Diabetes-Related Retinopathy, Cleveland Clinic, truy cập ngày 30/05/2024
2. Diabetic retinopathy, Mayo Clinic, truy cập ngày 30/05/2024
3. Diabetic Retinopathy: Causes, Symptoms, Treatment, American Academy Of Ophthamology, truy cập ngày 30/05/2024
4. Diabetic Retinopathy, NCBI, truy cập ngày 30/05/2024