Cận thị: Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa

Xuất bản: UTC +7

Cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp. Bệnh lý này đang có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ gần đây nhưng chưa được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa cận thị qua bài viết dưới đây nhé!

Cận thị là gì?

Cận thị là một tật khúc xạ phổ biến trong đời sống hiện nay. Người bị mắc cận thị có thể nhìn thấy các vật ở gần nhưng gặp khó khăn trong việc nhìn các vật thể ở xa. Ví dụ, người bệnh không thể nhìn thấy các biển chỉ dẫn hoặc tín hiệu đèn giao thông chỉ cách vài mét.

Cận thị đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo dự báo đến năm 2050, một nửa người trên thế giới sẽ mắc chứng cận thị.

Người cận thị có tầm nhìn xa giảm

Dựa vào các mức độ của cận thị, người ta chia bệnh lý này thành ba loại:

– Cận thị nhẹ: Từ 0 đến – 3 diop.

– Cận thị trung bình: Từ – 3 đến – 6 diop.

– Cận thị nặng: Lớn hơn -6 diop.

Nguyên nhân cận thị

Nguyên nhân

Mắt là một cơ quan có chức năng tương tự thấu kính hội tụ. Để làm được điều này, mắt có hai bộ phận giúp tập trung hình ảnh trên võng mạc là:

– Giác mạc là một màng trong suốt, nằm ở phía trước nhãn cầu có cấu tạo 5 lớp giúp ánh sáng hội tụ khi đi vào mắt.

– Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm bên trong mắt, lồi hai mặt có chức năng tương tự như một thấu kính hội tụ đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình mắt điều tiết.

Để mắt nhìn thấy, ánh sáng bắt buộc phải đi qua giác mạc và thủy tinh thể để tia sáng có thể tập trung ở vị trí võng mạc. Các dây thần kinh ở đây sẽ nhận và truyền tín hiệu đến bộ phận xử lý thông tin của não bộ, qua đó giúp chúng ta nhận biết được hình ảnh của vật thể.

Cận thị xảy ra do hình ảnh thu được nằm ở phía trước võng mạc

Cận thị xảy ra khi giác mạc hoặc thủy tinh thể bất thường khiến cho các tia sáng tập trung ở trước võng mạc khiến mắt khó khăn trong việc nhận biết hình ảnh. 

⇒ Bạn có thể tham khảo thêm: Nguyên nhân và một số điều bạn cần biết về cận thị

Yếu tố nguy cơ

Những người học sai tư thế có thể dẫn tới cận thị

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện cận thị có thể kể đến:

– Tiền sử gia đình: Theo một số thống kê, nếu cha hoặc mẹ bị cận thị thì con rất có nguy cơ mắc phải cận thị. Tỷ lệ trẻ mắc cận thị sẽ cao hơn nếu có cả bố và mẹ mắc cận thị.

– Dành nhiều thời gian nhìn gần: Những người đọc sách và sử dụng màn hình điện thoại hoặc thực hiện những công việc yêu cầu nhìn gần quá lâu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

– Dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dành nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính, máy tính bảng,… sẽ có nguy cơ mắc cận thị cao hơn những người khác.

Triệu chứng của cận thị

Cận thị thường diễn biến từ từ nên ở giai đoạn đầu các dấu hiệu của cận thị nhẹ thường xuyên bị bỏ qua. Ở giai đoạn sau của bệnh, các dấu hiệu của cận thị nặng và trung bình dễ dàng được nhận biết như:

– Không nhìn rõ vật ở xa.

– Nheo mắt để nhìn rõ.

– Mỏi mắt.

– Nhức đầu.

– Thường xuyên dụi mắt.

– Giảm khoảng cách khi nhìn màn hình mới có thể nhìn rõ vật thể.

– Chớp mắt thường xuyên.

Hay nheo mắt để nhìn rõ hơn có thể là triệu chứng của cận thị

Lưu ý, mắt cận nhẹ rất dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của cận thị giả. Vì vậy, khi cảm thấy xuất hiện những bất thường về tầm nhìn, mọi người nên tiến hành thăm khám mắt để được tầm soát và tư vấn về tật khúc xạ phù hợp.

Biến chứng của cận thị

Cận thị nếu không được điều trị có thể dẫn tới bong võng mạc

Cận thị nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới một số vấn đề như:

– Suy giảm chất lượng công việc: Trẻ em bị cận rất dễ suy giảm thành tích học tập. Người lớn gặp phải tình trạng cận thị sẽ khó khăn trong việc hoàn thành công việc được giao.

– Suy giảm chất lượng cuộc sống: Cận thị khiến việc nhìn xa bị ảnh hưởng, điều này gây khó khăn trong quá trình di chuyển cũng như thực hiện các hoạt động trong cuộc sống.

– Mỏi mắt: Tình trạng cận thị kéo dài khiến mắt phải làm việc nhiều hơn bình thường gây nên mỏi mắt kèm đau đầu dai dẳng.

– Các vấn đề thị giác khác: Cận thị nặng nếu không được điều trị sẽ dẫn tới nguy cơ cao xuất hiện các bệnh lý như bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, mù lòa,…

Khi nào nên khám bác sĩ về cận thị?

Bất kỳ khi nào bạn thấy tầm nhìn suy giảm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống thì bạn cũng nên tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia. Các bậc phụ huynh nên theo dõi những bất thường trong cuộc sống của trẻ nếu có những dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh phát hiện muộn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ:

– Thường xuyên nheo mắt, dụi mắt.

– Phải chuyển chỗ ngồi vì không nhìn thấy bảng.

– Thường xuyên chảy nước mắt.

– Phải ngồi gần tivi hoặc để sát điện thoại mới nhìn thấy chữ.

Khi dụi mắt quá thường xuyên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra

Trong trường hợp xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được cấp cứu kịp thời:

– Nhìn thấy những đốm đen hoặc những đường trôi qua tầm nhìn.

– Xuất hiện ánh sáng nhấp nháy ở cả hai mắt.

– Xuất hiện tấm màn che phủ tầm nhìn.

– Giảm tầm nhìn đột ngột.

Cận thị được chẩn đoán thế nào?

Đo thị lực giúp chẩn đoán những vấn đề của tật khúc xạ

Các tật khúc xạ dễ dàng được các bác sĩ chẩn đoán bằng các phương tiện khám mắt cơ bản như:

– Kiểm tra thị lực: Người bệnh sẽ được kiểm tra mức độ nhận biết hình ảnh ở khoảng cách xa. Bác sĩ yêu cầu người bệnh che một mắt rối đánh giá những chữ cái và ký hiệu ở những kích thước khác nhau. Sau khi ghi nhận và đánh giá, bác sĩ sẽ tiến hành với bên còn lại.

– Đo nhãn áp: Để đánh giá áp lực của mắt, trong trường hợp áp lực này bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành xác định xem có tăng nhãn áp thật sự hay không.

– Soi bóng đồng tử: Nhằm đánh giá những phản xạ sinh lý của mắt như chuyển động của mắt, tầm nhìn ngoại vi của mắt, tình trạng giác mạc,…

– Kiểm tra đáy mắt: Bác sĩ có thể sử dụng một thấu kính đặc biệt để đánh giá tình trạng của võng mạc cũng như dây thần kinh thị giác. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc giãn đồng tử để quan sát các cấu trúc bên trong mắt rõ hơn.

Cách khắc phục cận thị

Mục tiêu của điều trị mắt cận là giúp cải thiện thị lực bằng cách tập trung ánh sáng vào võng mạc đồng thời hạn chế nguy cơ xuất hiện các biến chứng của cận thị.

Đeo kính

Đeo kính là một trong những biện pháp đơn giản để khắc phục tình trạng mắt cận

Đeo kính phù hợp với độ cận sẽ giúp người bệnh nhìn rõ vật thể ở xa và hạn chế những biến chứng của cận thị. Một số loại kính thường được sử dụng hiện nay là:

– Kính mắt phân kỳ: Đây là biện pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất. Với những người mới đeo kính có thể gặp phải tình trạng vướng víu khi đeo.

– Kính áp tròng: Loại kính này giúp cải thiện độ cận hiệu quả. Lưu ý, cần phải tuân thủ đầy đủ những hướng dẫn khi đeo kính áp tròng, kiểm tra giác mạc 3 tháng/lần và phải ngưng sử dụng kính áp tròng nếu xuất hiện tình trạng bất thường.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp thường được thực hiện nếu người bệnh không muốn đeo kính. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào phụ thuộc vào tình trạng cũng như mong muốn của người bệnh. Cụ thể là:

– Phẫu thuật LASIK (Laser-assisted in situ keratomileusis): Phương pháp này sử dụng năng lượng của tia laser để làm mỏng thành giác mạc tạo nên một giác mạc phù hợp để ánh sáng hội tụ đúng ở vùng võng mạc. Đây là phương pháp an toàn và ít gây khó chịu so với những phương pháp khác.

– Phẫu thuật LASEK (Laser-assisted subepithelial keratectomy): Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ biểu mô giác mạc (lớp vỏ mỏng giác mạc) để làm phẳng và định hình đường cong giác mạc để thay thế cho vùng biểu mô bị loại bỏ.

Phẫu thuật thường được thực hiện với những người cận thị nhưng không muốn đeo kính

– Phẫu thuật PRK (Photorefractive keratectomy): Phương pháp tương tự LASEK. Điểm khác biệt khi thực hiện là việc loại bỏ hoàn toàn biểu mô. Người bệnh được sử dụng kính áp tròng giúp che phủ giác mạc đến khi vùng biểu mô phát triển bình thường.

– Phẫu thuật SMILE (Small incision lenticule extraction): Phẫu thuật không loại bỏ biểu mô được thực hiện bằng cách sử dụng tia laser rút một lớp mô mỏng tương ứng với độ cận – loạn có hình dạng thấu kính để đem lại tầm nhìn phù hợp.

– Phẫu thuật PHAKIC (Phakic intraocular lenses): Phương pháp này được lựa chọn cho người có độ cận thị cao hoặc giác mạc quá mỏng để thực hiện PRK hoặc LASIK. Bác sĩ sẽ tiến hành đặt thấu kính ở trước thủy tinh thể sau mống mắt để tránh ảnh hưởng tới biểu mô giác mạc.

⇒ Bạn có thể tham khảo thêm: Phẫu thuật mắt cận bằng laser và những điều bạn nên biết

Làm thế nào để phòng ngừa cận thị?

Để phòng ngừa mắt cận hoặc để giữ độ cận không tăng, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau:

– Khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Nghỉ ngơi khi nhìn quá gần trong thời gian dài (áp dụng quy tắc 20 : 20 : 20, sau 20 phút làm việc tập trung : nhìn xa 20 feet – khoảng 6,1 m : trong 20 giây).

– Cung cấp các vitamin tốt cho mắt như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C bằng các loại thực phẩm.

– Không hút thuốc.

– Chăm sóc mắt và vệ sinh, dưỡng ẩm mắt hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn, cũng như các tác nhân gây hại cho mắt.

– Thực hiện một số bài tập mắt hàng ngày.

– Đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng.

– Đeo kính khi làm việc hoặc chơi thể thao.

– Sử dụng ánh sáng phù hợp khi làm việc.

Cận thị là một bệnh lý về mắt có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là với những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường cần phải nhìn gần. Vì vậy, bạn nên xây dựng cho mình những thói quen chăm sóc mắt hiệu quả kết hợp với đi khám định kỳ để tránh mắc cận thị hoặc khiến cho cận thị nặng hơn.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về các tật khúc xạ hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. Myopia (Nearsightedness), Cleveland Clinic, truy cập ngày 06/05/2024

2. Nearsightedness, Mayo Clinic, truy cập ngày 06/05/2024

3. Nearsightedness: What Is Myopia?, American Academy of ophthalmology, truy cập ngày 06/05/2024

4. Your Guide to Nearsightedness Levels and Progression, healthline, truy cập ngày 06/05/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *