Có những phân loại bệnh song thị nào?

Xuất bản: UTC +7

Song thị là bệnh thường gặp trong đời sống với nguyên nhân gây bệnh thường đa dạng. Tình trạng này có thể do bất thường các cấu trúc ở mắt nhưng cũng có thể do các bệnh lý tiềm ẩn của cơ thể. Cùng tìm hiểu các loại bệnh song thị qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh song thị là gì?

Song thị là tình trạng mắt nhìn thấy hai hình ảnh thay vì chỉ một

Song thị là tình trạng mắt nhìn thấy hai hình ảnh thay vì chỉ một hình ảnh như bình thường. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra. Đôi khi dấu hiệu này cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm cần được can thiệp kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Song thị 1 mắt và hai mắt

Khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng nhìn đôi, bác sĩ cần phải xác định là song thị 1 mắt hay hai mắt. Việc xác định vấn đề này giúp xác định được nguyên nhân xuất phát từ não bộ hay tồn tại ở mắt. 

Song thị 1 mắt

Loạn thị ở một mắt có thể gây nên tình trạng song thị

Nhìn đôi 1 mắt là tình trạng một người xuất hiện nhìn đôi khi nhắm 1 mắt. Một số nguyên nhân dẫn tới nhìn đôi 1 mắt như:

Loạn thị: Tật khúc xạ ảnh hưởng tới sự bẻ cong ánh sáng của mắt. Việc xuất hiện nhiều hình ảnh trên võng mạc có thể dẫn tới tình trạng nhìn đôi.

Đục thủy tinh thể: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đục thủy tinh như tuổi tác, tình trạng hút thuốc lá, tiểu đường không kiểm soát hay sử dụng steroid. Mặc dù thường xảy ra ở hai mắt nhưng nếu thủy tinh thể chỉ bị đục ở một mắt thì vẫn có thể dẫn tới tình trạng song thị.

– Keratoconus: Đây là bệnh di truyền đặc trưng bởi tình trạng giác mạc mỏng đi theo thời gian. Sự mỏng đi này có thể ảnh hưởng 1 mắt hoặc 2 mắt. Khi mỏng đi, giác mạc sẽ lồi ra trước ảnh hưởng tới sự phản xạ ánh sáng khi đi qua bộ phận này sẽ dẫn tới song thị.

Khô mắt: Khi bị khô, mắt có thể xuất hiện tình trạng ngứa, rát cũng như sinh ra nhìn đôi.

– Chấn thương mắt: Chấn thương mắt có thể làm cho cơ thể mi bị đứt. Tình trạng này khiến cho thủy tinh thể di chuyển khỏi vị trí ban đầu và dẫn tới tình trạng nhìn đôi.

Song thị 2 mắt

Bệnh lý tiểu đường có thể ảnh hưởng tới võng mạc gây ra song thị

Không giống như song thị 1 mắt, nhìn đôi ở cả hai mắt chỉ xảy ra khi hai mắt đều mở. Nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới song thị như:

– Lác mắt: Mắt lác là tình trạng 2 mắt không thể nhìn vào một điểm mà phải nhìn vào hai hướng khác nhau. Bệnh lý này có thể dẫn tới nhìn đôi hoặc những vấn đề về thị lực nếu không được điều trị kịp thời.

– Bệnh tiểu đường: Tiểu đường là một bệnh toàn thân có ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong đó có mắt. Khi lượng đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến các tế bào võng mạc có thể gây nên tình trạng nhìn đôi và mất thị lực.

– Tổn thương dây thần kinh mắt: Các dây thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quanh mắt có thể bị tổn thương dẫn đến hoạt động của mắt trở nên bất thường.

– Bệnh Graves: Đây là tình trạng cường giáp có thể khiến cho các cơ bên trong hốc mắt sưng và dày lên dẫn tới nhìn đôi.

– Bệnh nhược cơ: Đây là một bệnh tự miễn khiến cho các cơ điều khiển hoạt động của mắt yếu đi.

Hướng tương quan của hai ảnh trong song thị

Song thị còn được phân loại theo hướng di chuyển của hình ảnh, do người bệnh sẽ nhìn thấy các hình ảnh thu được chồng chéo lên nhau chứ hiếm khi nhìn thấy hai hình ảnh này tách biệt. Một số hướng xếp lên nhau thường gặp như:

– Song thị theo chiều ngang: Tình trạng này tạo hiệu ứng song song của hai hình ảnh. Người bệnh sẽ nhìn thấy một hình ảnh mờ hơn ở bên phải hoặc bên trái hình ảnh thực tế.

– Song thị theo chiều dọc: Người bệnh sẽ nhìn thấy hình ảnh mờ hơn ở bên trên hoặc dưới hình ảnh thực tế của vật.

– Song thị chéo: Đây là hiện tượng ít phổ biến. Hai hình ảnh mà người bệnh nhìn được sẽ tách thành đường chéo nhau.

Thời gian diễn ra song thị

Nhìn đôi cũng được phân loại theo tần suất và thời gian diễn ra. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột và kéo dài trong nhiều khoảng thời gian khác nhau nhưng cũng có thể xuất hiện rồi biến mất. Dựa vào đặc điểm diễn ra song thị có thể chia thành 3 loại như sau:

– Nhìn đôi tạm thời: Thường không nguy hiểm vì nó có thể là kết quả của tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Sở dĩ xảy ra nhìn đôi là do các chất dẫn truyền thần kinh hoạt động trong thời gian dài có thể xuất hiện tình trạng chậm truyền tải thông tin đến não cũng như mắt. Điều này có thể dẫn tới sai sót và gây ra nhìn đôi tạm thời.

– Nhìn đôi không liên tục: Tình trạng nhìn đôi có thể xuất hiện, mất đi rồi lại xuất hiện. Đây có thể là cảnh báo một số bệnh lý cần phải được tầm soát như đau nửa đầu, huyết áp cao hay khô mắt.

– Nhìn đôi liên tục: Đây là loại nhìn đôi đáng lo ngại nhất vì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng như chấn thương sọ não, u não, phình động mạch, đột quỵ, bệnh đa xơ cứng.

Khi nào song thị nên đi khám bác sĩ? 

Khi xuất hiện tình trạng song thị, bạn có thể đến các cơ sở y tế Nhãn khoa để được đánh giá và tìm ra nguyên nhân, kể cả khi song thị không đi kèm những dấu hiệu nào khác.

Trong trường hợp xuất hiện song thị cùng những dấu hiệu sau, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị:

– Đau xung quanh hốc mắt.

– Chóng mặt.

– Cảm thấy yếu người, lú lẫn.

– Đau đầu dữ dội.

Khi song thị xuất hiện cùng đau đầu dữ dội, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được điều trị

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức về các loại bệnh song thị. Đây là bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra nên cần được thăm khám kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về song thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. Types of double vision, All About Vision, truy cập ngày 24/07/2024

2. Double vision (diplopia), All About Vision, truy cập ngày 24/07/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *