Đau mắt đỏ là bệnh lý rất dễ lây lan, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu của đau mắt đỏ mà nhiều người có thể bỏ qua, cũng như những bệnh lý hay nhầm lẫn với đau mắt đỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Sơ lược về đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tên gọi chung của những bệnh lý gây viêm nhiễm kết mạc. Khi các tác nhân tiếp xúc với kết mạc (một màng mỏng nằm ở phía trước giác mạc) sẽ gây nên tình trạng viêm làm cho các mạch máu ở khu vực này bị kích ứng, dẫn tới lòng trắng xuất hiện màu đỏ hoặc hồng.
Nguyên nhân đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Virus là thủ phạm phổ biến nhất, gây ra tình trạng lây lan nhanh chóng. Vi khuẩn cũng có thể tấn công kết mạc, dẫn đến nhiễm trùng và gây bệnh. Ngoài ra, đau mắt đỏ do dị ứng không phải là bệnh nhiễm trùng mà là phản ứng của cơ thể trước các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, hoặc lông thú.
Viêm kết mạc do virus
Đau mắt đỏ do virus có thể do bất kỳ loại virus nào – đặc biệt là những loại virus có liên quan đến cảm lạnh thông thường. Virus thường gặp nhất khiến cho kết mạc bị kích ứng là adenovirus – chiếm 90% trường hợp. Ngoài ra, một số virus cũng có thể gây nên tình trạng này là herpes virus, varicella-zoster và Epstein-Barr. Những virus này thường gây nên những triệu chứng nghiêm trọng hơn là adenovirus.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Một số vi khuẩn có thể gây nên tình trạng đau mắt đỏ là Haemophilusenzae, Streptococcus pneumoniae và tụ cầu vàng, đặc biệt là ở trẻ em. Một số ít trường hợp, tình trạng gây viêm nhiễm kết mạc có thể gặp khi tiếp xúc với Neisseria gonorrhoeae và Chlamydia trachomatis.
Viêm kết mạc dị ứng
Bất kỳ chất gây dị ứng nào khi tiếp xúc với kết mạc đều có thể gây nên tình trạng dị ứng. Khi dị ứng xảy ra, có một số triệu chứng có thể xuất hiện như:
– Mắt sưng đỏ.
– Ngứa.
– Trong một số trường hợp, viêm kết mạc dị ứng còn có thể dẫn tới sốc phản vệ – một trường hợp dị ứng nguy hiểm cần phải được cấp cứu kịp thời.
– Một số chất gây dị ứng phổ biến: Phấn hoa, bụi,lông động vật….
Dấu hiệu đau mắt đỏ dễ nhận biết nhất
Tùy vào từng nguyên nhân mà các triệu chứng đau mắt đỏ có thể khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng gặp ở tất cả người bệnh là tình trạng lòng trắng có màu hồng hoặc đỏ. Một số dấu hiệu khác có thể xuất hiện:
– Chảy nước mắt.
– Nóng rát và ngứa mắt.
– Cảm giác có dị vật trong mắt.
Với đau mắt đỏ do virus, người bệnh thường chảy nước mắt trong. Tình trạng viêm nhiễm do virus gây nên cảm giác nóng rát trong mắt, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nhạy cảm ánh sáng. Ngoài ra, người mắc đau mắt đỏ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Với đau mắt đỏ do vi khuẩn, người bệnh thường có dịch tiết đặc, dính hơn kèm theo màu vàng hoặc xanh lục. Dịch tiết này khiến cho mí mắt dính vào nhau khi ngủ, người bệnh còn có thể thấy tình trạng đau nhức mắt kèm theo tình trạng mí mắt đỏ và sưng đau hơn những loại đau mắt đỏ khác.
Với đau mắt đỏ do dị ứng, người bệnh ít khi chảy nước mắt hơn những nguyên nhân khác. Một số dấu hiệu đau mắt đỏ có thể xuất hiện là tình trạng sưng tấy quanh mắt tương tự các triệu chứng dị ứng thông thường.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Dấu hiệu đau mắt đỏ: Có thể bạn đã bỏ qua
Đau mắt đỏ tiến triển thế nào?
Bị đau mắt đỏ 1 bên thường là dấu hiệu của viêm kết mạc do virus và vi khuẩn. Tình trạng này nhanh chóng lan sang mắt còn lại trong vòng vài ngày. Các dấu hiệu đau mắt đỏ do virus thường xuất hiện sau 5-12 ngày tiếp xúc với người bệnh. Với đau mắt đỏ do vi khuẩn, các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng từ 24-72 giờ đầu sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Đau mắt đỏ do dị ứng thường xuất hiện ở cả hai mắt ngay khi tiếp xúc với tác nhân.
Các dấu hiệu đau mắt đỏ thường nhầm lẫn với những bệnh lý nào?
Tình trạng mắt sưng đỏ có thể gặp ở nhiều bệnh lý chứ không phải chỉ là triệu chứng của viêm kết mạc. Một số bệnh lý dễ gây nhầm lẫn với đau mắt đỏ có thể gặp phải như::
Khô mắt
Khô mắt là một trong những vấn đề hay gặp trong cuộc sống, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử hay ngồi trong phòng điều hòa nhiều. Khô mắt khiến cho mắt xuất hiện tình trạng đỏ, ngứa và chảy nước mắt.
Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là tình trạng đến vùng da xung quanh lông mi, dẫn đến mắt đỏ, sưng và đau. Nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, tình trạng tắc tuyến dầu ở lông mi cũng có thể gây nên tình trạng khó chịu này.
Xuất huyết kết mạc
Khi xuất hiện một vệt máu trên lòng mắt trắng thì đây có thể là triệu chứng của bệnh lý xuất huyết kết mạc thường khiến mọi người nhầm lẫn với đau mắt đỏ. Tuy nhiên, tình trạng này không gây đau đớn và có thể biến mất sau vài ngày.
Lẹo mắt
Khi xuất hiện một mụn nhỏ ở gốc mí mắt hoặc bên trong mí mắt thì có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc lẹo mắt. Lẹo ở mắt có thể khiến mí mắt đỏ, đau kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm giữa các lớp của nhãn cầu. Loại viêm màng bồ đào thường gặp nhất là viêm mống mắt. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm:
– Đỏ mắt.
– Nhạy cảm với ánh sáng.
– Nhìn mờ.
– Có thể nhìn thấy vẩn đục quanh tầm nhìn.
Bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tổn thương mô mắt gây ra mất thị lực vĩnh viễn.
Viêm giác mạc
Tình trạng viêm loét giác mạc cũng có thể gây nên tình trạng mắt đỏ, đau kèm chảy nước mắt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh lý này như khô mắt hay nhiễm trùng. Bệnh lý này cần phải được phát hiện sớm để tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến suy giảm thị lực.
Glocom góc đóng
Glocom góc đóng là thương tổn diễn ra từ từ. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường không xuất hiện, người bệnh chỉ nhận ra khi cơn tăng nhãn áp xuất hiện. Một số dấu hiệu thường gặp trong giai đoạn này như:
– Mắt đỏ.
– Đau mắt dữ dội.
– Mờ mắt.
Dấu hiệu đau mắt đỏ cần gặp bác sĩ
Mặc dù, đau mắt đỏ là bệnh lý thường gặp nhưng cũng có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, khi xuất hiện đau mắt đỏ, người bệnh không nên tự ý điều trị mà nên đến gặp bác sĩ Nhãn khoa để được tư vấn điều trị thích hợp.
Dưới đây là một số dấu hiệu đau mắt đỏ mà người bệnh cần đến gặp bác sĩ:
– Mắt rất đau hoặc đỏ.
– Xuất hiện nhiều chất nhầy từ mắt.
– Giảm thị lực.
– Nhạy cảm với ánh sáng.
– Các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày điều trị.
– Sốt cao.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về dấu hiệu đau mắt đỏ. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ để được điều trị cũng như tư vấn những phương pháp hạn chế lây nhiễm để bùng phát thành dịch.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về đau mắt đỏ hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. What is pink eye (conjunctivitis)?, All About Vision, truy cập ngày 15/05/2024
2. What are the first signs of pink eye?, Medical News Today, truy cập ngày 15/05/2024
3. Is It Pink Eye or Something Else?, American of Ophthalmology, truy cập ngày 15/05/2024