Đục thủy tinh thể là gì? Làm gì để phát hiện sớm

Xuất bản: UTC +7

Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng mù lòa trên thế giới đến từ bệnh lý đục thủy tinh thể. Ban đầu, bệnh này thường không xuất hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện. Cùng tìm hiểu đục thủy tinh thể là gì cũng như những lưu ý chăm sóc qua bài viết dưới đây nhé!

Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị vẩn đục. Thủy tinh thể là một cấu trúc trong suốt, được cấu tạo chủ yếu bằng protein, giúp hội tụ ánh sáng ở chính xác võng mạc. Khi tuổi tác cao, các protein trong thủy tinh thể bị thay đổi cấu trúc tạo thành các mảng vẩn đục ảnh hưởng tới thị lực.

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị vẩn đục

Đục thủy tinh thể là một phần bắt buộc phải xảy ra của quá trình lão hóa. Theo thời gian, thủy tinh thể càng đục hơn sẽ khiến cho các triệu chứng ngày càng xấu hơn. 

Phân loại đục thủy tinh thể

Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện tình trạng đục thủy tinh thể

Dựa vào nguyên nhân gây nên tình trạng thủy tinh thể bị đục, bệnh được chia thành các loại như sau:

– Đục thủy tinh thể ở trẻ em: Đục thủy tinh thể này thường xuất hiện sớm, có thể có tính chất gia đình. Tỷ lệ mắc bệnh này chỉ chiếm 1/2400 trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị đục thủy tinh thể cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa các vấn đề nhược thị.

– Chấn thương: Đục thủy tinh thể này được hình thành sau một chấn thương. Điều trị đục thủy tinh thể loại này thường khó khăn do liên quan đến việc sửa chữa các cấu trúc xung quanh thể thủy tinh.

Đục thủy tinh thể người già: Khi già đi thì thể thủy tinh có thể bị vẩn đục do lão hóa.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể ở người già được hình thành do sự phân hủy các protein cấu tạo nên thấu kính này. Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới đục thủy tinh thể như:

– Môi trường: Khói thuốc lá, hóa chất, tiếp xúc với tia UV trong thời gian dài, xạ trị.

– Bệnh lý nền: Tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường không kiểm soát), tăng nhãn áp, sử dụng corticoid trong thời gian dài, viêm màng bồ đào.

– Di truyền: Gia đình có người mắc đục thủy tinh thể. 

Tia UV có thể đẩy nhanh quá trình đục thủy tinh thể

Với đục thủy tinh thể do chấn thương, người bệnh sẽ gặp đục thủy tinh thể nếu chấn thương làm thay đổi môi trường bên trong thể thủy tinh khiến cho ánh sáng khúc xạ không đúng cách.

Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể liên quan đến đột biến gen, nhiễm trùng khi mới sinh ra, chấn thương hoặc bệnh lý nền làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của trẻ. Hội chứng Down là tình trạng phổ biến nhất liên quan đến đục thủy tinh thể ở trẻ em.

Đục thủy tinh thể bắt đầu từ độ tuổi nào?

Theo một số thống kê, protein trong thủy tinh thể bắt đầu phân hủy ở tuổi 40. Nhưng người bệnh chỉ có thể nhận biết các triệu chứng từ tuổi 60 trở đi. Người bệnh có thể nhận biết các triệu chứng này sớm hơn nếu mắc một số bệnh lý làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. 

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa cao nhất thế giới. Theo một thống kê của Bệnh viện Mắt trung ương năm 2007 có khoảng 251700 người mù lòa do đục thủy tinh thể. Số người mắc mới bệnh lý này hàng năm rơi vào khoảng 85000 ca 2 mắt và 85000 ca ở 1 mắt.

Triệu chứng đục thủy tinh thể là gì?

Người bị đục thủy tinh thể thường gặp khó khăn khi nhìn ban đêm

Do môi trường thủy tinh thể bị mờ nên ánh sáng không khúc xạ đúng cách. Một số triệu chứng có thể xuất hiện như:

– Cảm giác như có một màng sương mù che tầm nhìn.

– Không nhạy cảm với màu sắc: Không thể nhận thấy sự khác biệt giữa những màu sắc tương tự nhau.

– Không thích ánh sáng mặt trời quá chói hoặc ánh sáng từ đèn pha.

– Khó khăn khi nhìn ban đêm.

– Cần đèn sáng hơn bình thường để đọc được chữ.

Nhìn đôi.

Chẩn đoán đục thủy tinh thể

Bác sĩ sẽ xác định được tình trạng đục thủy tinh thể thông qua khám mắt toàn diện. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện một số công việc như:

– Xác định thị lực: Đọc chữ cái trên biểu đồ.

– Khám mắt bằng đèn khe: Dùng đèn khe để quan sát những cấu trúc phía trong. Trong quá trình này người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc nhỏ mắt có tác dụng làm giãn đồng tử. Lưu ý, thuốc này sẽ không gây đau nhưng thị lực của người bệnh sẽ bị mờ trong vài giờ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện bất cứ thay đổi nào liên quan đến thị lực, người bệnh nên đến các cơ sở Nhãn khoa để được kiểm tra. Trong trường hợp xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, người bệnh có thể đã gặp phải tình trạng bong võng mạc. Đây là biến chứng cần phải thực hiện can thiệp ngay lập tức để tránh tình trạng mù lòa:

– Đột ngột xuất hiện những vẩn đục xung quanh tầm nhìn. 

– Khi mở và nhắm mắt nhìn thấy tia sáng.

– Xuất hiện những chấm đen trong tầm nhìn.

Đục thủy tinh thể có chữa được không?

Không phải lúc nào người bệnh đục thủy tinh thể cũng cần thực hiện phẫu thuật ngay lập tức. Nếu phát hiện sớm tình trạng này, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh kiểm soát các triệu chứng trong một thời gian. Trong thời gian này, người bệnh sẽ được tư vấn những việc cần làm để tránh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống như:

– Khám mắt thường xuyên để cập nhật số đo kính mới.

– Đeo kính mắt có tròng chống phản quang.

– Sử dụng đèn có cường độ cao hơn ở nhà hoặc bàn làm việc.

– Tăng kích thước chữ trên màn hình điện thoại hoặc máy tính.

Những việc làm này không thể ngăn cản được quá trình lão hóa của thủy tinh thể. Khi các triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể đưa ra quyết định phẫu thuật cho người bệnh. Lưu ý rằng phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị tình trạng đục thủy tinh thể.

Phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị tình trạng đục thủy tinh thể

Phẫu thuật đục thủy tinh thể được đánh giá là phẫu thuật có tính an toàn cao. Mục tiêu của phẫu thuật này là thay thế thủy tinh thể bị đục bằng thủy tinh thể mới trong suốt. Phẫu thuật chỉ kéo dài từ 10-15 phút và thường không gây đau. 

Sau phẫu thuật, tầm nhìn của người bệnh sẽ mờ trong một thời gian ngắn. Người bệnh sẽ cần đeo kính che mắt để bảo vệ trong thời gian chờ vết thương do phẫu thuật lành. Theo thống kê, thị lực người bệnh sẽ trở lại bình thường trong vòng từ vài ngày đến vài tuần.

Với đục thủy tinh thể xuất hiện do chấn thương, ngoài thay thế thủy tinh thể, bác sĩ cũng cần can thiệp vào những cấu trúc xung quanh để mắt thực hiện những chức năng đúng cách.

Phòng ngừa đục thủy tinh thể

Mặc dù không thể ngăn ngừa tiến triển của tình trạng đục thủy tinh thể do lão hóa nhưng thực hiện những biện pháp để bảo vệ mắt có thể giảm nguy cơ tổn thương thủy tinh thể.

– Tránh tia UV: Đeo kính râm để giảm thiểu tác hại của tia cực tím đến mắt.

– Bỏ thuốc lá: Giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể cũng như tăng cao sức khỏe của mắt.

– Đeo kính bảo vệ mắt: Khi thực hiện những công việc nguy hiểm đến mắt như các môn thể thao, thợ hàn, thợ ở các xưởng gỗ, mọi người nên sử dụng kính mắt để tránh làm tổn thương giác mạc, thủy tinh thể hoặc các cấu trúc ở bên trong.

– Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Tăng cường các loại rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho mắt.

– Kiểm soát tốt lượng đường trong máu: Bệnh tiểu đường có thể làm ảnh hưởng đến các cấu trúc của mắt. Vì vậy, nếu đang mắc đái tháo đường, người bệnh nên tuân thủ đầy đủ những hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong khoảng an toàn.

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả câu trả lời cho câu hỏi “đục thủy tinh thể là gì?”. Đây là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là với người già nên mọi người cần nâng cao ý thức chăm sóc mắt cũng như thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm bệnh lý này nhé!

Nếu cần tìm hiểu thông tin về đục thủy tinh thể hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. What Is a Cataract?, All About Vision, truy cập ngày 12/06/2024

2. Cataracts (Age-Related), Cleveland Clinic, truy cập ngày 12/06/2024

3. Thông tin này dành cho các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, Bộ Y tế, truy cập ngày 12/06/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *