Loạn thị có mổ được không? Một số phương pháp mổ bạn cần biết

Xuất bản: UTC +7

Loạn thị là một tật khúc xạ thường gặp. Vậy “loạn thị có mổ được không?”. Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây cũng như tham khảo một số gợi ý khi lựa chọn những phương pháp điều trị tình trạng loạn thị nhé!

Loạn thị là gì?

Loạn thị là tình trạng suy giảm tầm nhìn hoặc tầm nhìn méo mó do bề mặt giác mạc hoặc thể thủy tinh cong không đều. Điều này dẫn tới các tia sáng chiếu đến mắt không tập trung thành một điểm ở võng mạc mà xuất hiện nhiều điểm ảnh hơn gây nên tình trạng mờ ảo.

Loạn thị là tật khúc xạ được hình thành do có nhiều điểm ảnh trên võng mạc

Các dấu hiệu của loạn thị có thể gây nên tình trạng mệt mỏi, khó chịu, mờ mắt, giảm thị trường (giảm tầm nhìn sang hai bên hoặc tầm nhìn trung tâm), hình ảnh vật thể bị kéo dài ra.

Loạn thị có mổ được không?

Phẫu thuật là một trong những phương pháp được sử dụng để điều trị loạn thị. Tuy nhiên để trả lời câu hỏi “Loạn thị có mổ được không?” thì còn phải trải qua quá trình thăm khám tỉ mỉ của bác sĩ để đánh giá xem người bệnh phù hợp với phương pháp phẫu thuật nào.

Điều kiện để mổ loạn thị

Mặc dù mỗi phương pháp khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau về người bệnh nhưng nhìn chung một số tiêu chuẩn được liệt kê dưới đây:

– Từ 18 tuổi trở lên (lý tưởng nhất là trên 21 tuổi khi thị lực thường ngừng thay đổi).

– Các chỉ số về mắt không thay đổi vài năm gần đây.

– Độ loạn dưới 5 diop và không tăng nhiều hơn 0,5 diop trong những lần thăm khám gần đây.

– Giác mạc đảm bảo đủ yêu cầu như đủ độ dày, cấu trúc giác mạc bình thường không có hình chóp, không có sẹo giác mạc.

Những người có những vấn đề dưới đây có thể không đạt được hiệu quả sau khi thực hiện phẫu thuật mắt:

– Tình trạng loạn thị hay cận thịviễn thị đi kèm không ổn định.

– Loạn thị nặng.

– Tình trạng khô mắt nghiêm trọng.

– Giác mạc quá mỏng không đủ điều kiện phẫu thuật.

– Có những bệnh lý về giác mạc trước đó.

– Bệnh lý giác mạc hình nón keratoconus.

– Đục thủy tinh thể.

– Có tiền sử nhiễm trùng mắt như viêm giác mạc, viêm kết mạc,…

– Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt dẫn đến đã có những biến chứng tại các cơ quan.

– Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

Trước khi phẫu thuật cần làm gì?

Trước khi đánh giá người bệnh đủ khả năng phẫu thuật hay không, bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi với người bệnh những yếu tố như:

– Hoạt động hàng ngày yêu cầu nhìn xa hay nhìn gần nhiều hơn.

– Các biến chứng có thể gặp.

– Đặt ra giả thuyết rằng khi thực hiện những công việc nhất định, người bệnh có thể vẫn phải sử dụng kính để hỗ trợ tầm nhìn.

Trước khi mổ loạn thị, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám chi tiết

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá để đưa ra những tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp:

– Đánh giá thị lực: Đánh giá mức độ nặng của tật khúc xạ đang gặp cũng như đảm bảo rằng thị lực không thay đổi trong thời gian gần đây.

– Đánh giá các vấn đề khác của mắt: Các bệnh lý về mắt đang mắc cũng như tình trạng khô mắt của người bệnh.

– Lập bản đồ bề mặt giác mạc: Bác sĩ tiến hành đo bề dày giác mạc và sử dụng kết quả này để hình thành nên quá trình phẫu thuật cho người bệnh qua phần mềm chuyên dụng.

Các phương pháp mổ loạn thị

Một số phương pháp mổ loạn thị thường được các bác sĩ tư vấn can thiệp cho người bệnh là:

Phương pháp LASIK

Đây là phương pháp được áp dụng nhiều trong thời gian gần đây. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc thông qua một số bước như sau:

– Gây tê mắt bằng thuốc nhỏ mắt.

– Sử dụng dụng cụ giữ mí mắt để người bệnh không thể chớp mắt.

– Dùng thiết bị microkeratome để tạo thành một vạt mỏng trong biểu mô giác mạc.

– Người bệnh được yêu cầu nhìn vào ánh sáng mục tiêu để bác sĩ tập trung sử dụng laser định hình lại giác mạc đã được bác sĩ lập trình từ trước.

– Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ tiến hành làm phẳng lại các cạnh, vạt mỏng sẽ tự gắn vào nhau từ 2-3 phút.

LASIK là phương pháp được áp dụng nhiều trong thời gian gần đây

Sau vài giờ, mắt có thể cảm thấy ngứa ngáy hoặc bỏng rát. Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc nhỏ mắt để giảm khô cũng như hỗ trợ cho mắt nhanh lành lại.

Phương pháp PRK

Đây là phương pháp được thực hiện trước khi có phẫu thuật LASIK. Phẫu thuật này được thực hiện qua một số bước sau:

– Gây tê bằng thuốc nhỏ mắt.

– Dùng dụng cụ giữ mí mắt.

– Sử dụng dung dịch chuyên dụng, lưỡi dao, tia laser hoặc cồn để loại bỏ lớp tế bào biểu mô giác mạc.

– Định hình lại giác mạc theo những bước đã được lập trình từ trước.

PRK là phương pháp không lật vạt giác mạc

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt kính áp tròng băng lên mắt để giúp mắt lành lại. Vết thương thường mất 3-5 ngày để lành lại. Thị lực cũng sẽ dần được cải thiện sau thời gian này.

Phương pháp PHAKIC

Với những người không thể thực hiện điều chỉnh thị lực bằng laser thì có thể được tư vấn thực hiện phương pháp đặt thấu kính nội nhãn Phakic. Đây là phương pháp sử dụng thấu kính trong suốt đặt vào giữa mống mắt và thủy tinh thể để ánh sáng tập trung rõ hơn vào võng mạc mà không cần sử dụng kính.

Phương pháp PHAKIC thường được áp dụng khi người bệnh không thể phẫu thuật bằng laser

Phương pháp này  phải mất 3 tháng mới có thể nhìn thấy được kết quả. Tuy nhiên, đây lại là lựa chọn với những người có độ loạn cao trên 6 diop.

Phương pháp Relex Smile

Đây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến nhất trên thế giới, ít gây tổn thương vạt giác mạc hơn những phương pháp khác. Phương pháp này được thực hiện qua các bước như:

– Gây tê bằng thuốc nhỏ mắt.

– Dùng dụng cụ giữ mí mắt.

– Dùng vòng hút nâng và làm phẳng giác mạc, giúp mắt không di chuyển.

– Sử dụng tia laser hình thành nên một mảnh giác mạc hình đĩa bên dưới bề mặt mắt.

– Sau đó, bác sĩ sẽ dùng tia laser để rạch một đường trên giác mạc và tiến hành loại bỏ phần này. Hành động này giúp định hình lại giác mạc.

Phương pháp Relex Smile là phẫu thuật tiên tiến trên thế giới

Sau khi thực hiện phẫu thuật, tầm nhìn có thể bị mờ trong vài ngày cho tới vài tuần. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt để tránh tình trạng khô mắt.

Biến chứng sau mổ

Sau mổ, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như:

– Khô mắt.

– Giảm tầm nhìn.

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể giảm tầm nhìn

– Xuất hiện những quầng sáng xung quanh đèn.

– Nhạy cảm với ánh sáng.

– Đeo kính điều chỉnh sau phẫu thuật.

– Mất thị lực.

Nhìn đôi, nhìn mờ.

Chăm sóc sau mổ

Sau phẫu thuật mổ mắt, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc để phẫu thuật đạt được hiệu quả cao nhất:

– Nghỉ ngơi hợp lý, tránh sử dụng mắt nhiều trong vài ngày sau phẫu thuật.

– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Không nên lái xe về nhà ngay sau khi phẫu thuật.

– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong vài tuần đầu.

– Sử dụng đồ bảo vệ mắt khi ngủ.

– Tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sau phẫu thuật, người bệnh nên đeo kính để bảo vệ mắt

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn câu trả lời cho câu hỏi “Loạn thị có mổ được không?”. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện những phẫu thuật này để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về loạn thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. LASIK — Laser Eye Surgery, American of Ophthalmology, truy cập 13/05/2024

2. Astigmatism, NIH, truy cập 13/05/2024

3. Phakic Intraocular Lenses for Nearsightedness, American of Ophthalmology, truy cập 13/05/2024

4. What Is Photorefractive Keratectomy (PRK)?, American of Ophthalmology, truy cập 13/05/2024

5. What Is Small Incision Lenticule Extraction?, American of Ophthalmology, truy cập 13/05/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *