Cận thị cùng với viễn thị, loạn thị là những tật khúc xạ thường gặp trong đời sống hiện đại. Bệnh lý này đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cùng tìm hiểu nguyên nhân cận thị và một số lưu ý về tật cận thị qua bài viết dưới đây nhé!
Mắt chúng ta nhận biết vật thể bằng cách nào?
Tia sáng phát ra từ vật thể theo mọi hướng do quá trình phản xạ ánh sáng ra môi trường bên ngoài. Phần ánh sáng phản xạ này cần phải được tập trung vào một vùng nhỏ của mắt để đảm bảo hình ảnh của vật thể hiện lên ở trung tâm võng mạc. Để làm được nhiệm vụ này, giác mạc và thủy tinh thể có nhiệm vụ tập trung ánh sáng. Cụ thể là:
– Giác mạc: Khúc xạ ánh sáng, điều chỉnh tiêu điểm sao cho phù hợp.
– Thủy tinh thể: Sẽ được thay đổi hình dạng và độ dày nhờ những cơ nhỏ ở thể mi giúp tia sáng tập trung chính xác tại trung tâm võng mạc. Khi nhìn các vật ở gần, các cơ thể mi sẽ co lại. Ngược lại, các cơ thể mi sẽ giãn ra khi nhìn xa khiến cho độ dày của thủy tinh thể mỏng đi.
Khi các tia sáng đã tập trung chính xác ở trung tâm võng mạc, các tế bào thần kinh ở vùng này sẽ truyền tín hiệu đến vùng xử lý thông tin não bộ để tạo ra hình ảnh mà ta có thể nhìn thấy.
Cận thị là gì?
Cận thị là một tật khúc xạ xảy ra khi ánh sáng từ các vật ở xa bị tập trung quá mức khiến cho tiêu điểm (vùng hình thành ảnh) nằm phía trước võng mạc. Vì nguyên nhân này mà các tia sáng phát ra từ các vật ở gần có thể hội tụ chính xác vào võng mạc còn khi nhìn các vật ở xa mắt lại không làm được điều này.
Nguyên nhân dẫn tới cận thị
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây nên cận thị. Các nhà khoa học cho răng cận thị là hệ quả giữa di truyền và môi trường sống. Cụ thể là:
– Di truyền: Cha mẹ bị cận thị sẽ có nguy cơ cao sinh ra con bị cận thị nhiều hơn những người khác. Theo thống kê, nếu cha hoặc mẹ bị cận thị thì nguy cơ của trẻ cao hơn gấp đôi còn nếu cả cha và mẹ đều bị cận thì nguy cơ trẻ bị cận thị gấp 8 lần bình thường.
– Môi trường: Lối sống ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, thường xuyên nhìn vật ở cự ly gần hay có thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử dài ngày có thể là yếu tố thúc đẩy cận thị.
Biểu hiện của cận thị
Với những người cận thị trung bình hoặc cận thị nặng có thể dễ phát hiện được các triệu chứng của bệnh. Một số dấu hiệu của cận thị nặng và trung bình thường gặp như:
– Nhìn gần rõ, nhìn xa mờ.
– Mỏi mắt.
– Đau đầu.
– Hay nheo mắt.
– Thường xuyên dụi mắt.
Các dấu hiệu của cận thị nhẹ thường không rõ ràng, người bệnh chỉ suy giảm tầm nhìn xa nên hầu như không được chú ý phát hiện.
⇒ Bạn có thể tham khảo thêm: 7 dấu hiệu bị cận mà bạn có thể đã bỏ qua
Tại sao cần tầm soát cận thị?
Cận thị là bệnh lý tiến triển từ từ nên trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không phát hiện được các triệu chứng của mình. Khi độ cận lớn dần, các triệu chứng rõ hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì người bệnh mới đi khám.
Vậy “Phát hiện sớm thì cận thị có tự khỏi được không?”. Đáng buồn câu trả lời là không. Tuy nhiên, việc thực hiện các cách khắc phục cận thị từ sớm sẽ giúp độ cận giữ nguyên, tránh dẫn tới cận thị nặng sẽ ảnh hưởng nhiều tới thị lực.
Cận thị nếu không được điều trị có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như:
– Đục thủy tinh thể.
– Tăng nhãn áp.
– Bệnh thần kinh thị giác.
– Bong võng mạc.
– Bệnh thần kinh thị giác cận thị.
Bao lâu cần đi khám mắt
Khám mắt định kỳ không chỉ tầm soát được cận thị mà còn giúp tầm soát một số bệnh lý như tật khúc xạ khác (viễn thị, loạn thị), thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc đái tháo đường,…
Người lớn
Với những người khỏe mạnh không có vấn đề về thị lực hoặc các bệnh về mắt trước đó nên thực hiện tầm soát theo khuyến cáo sau đây:
– Từ 20 – 29 tuổi: Ít nhất 1 lần.
– Từ 30 – 39 tuổi: Ít nhất 2 lần.
– Từ 40 – 54 tuổi: 2 – 4 năm/lần.
– Từ 55 đến 64 tuổi: 1 – 3 năm/lần.
– Từ 65 tuổi: 1 – 2 năm/lần.
Trong trường hợp người tầm soát mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh liên quan đến tim mạch, có tiền sử gia đình mắc các bệnh về mắt hoặc đang điều trị các tật khúc xạ có thể được bác sĩ tư vấn khám định kỳ thường xuyên hơn.
Trẻ em
Trẻ em cần phải được tầm soát cận thị từ sớm. Vì lứa tuổi này, trẻ có thể không nhận ra những thay đổi về thị lực của bản thân nên việc sàng lọc và phát hiện sớm sẽ giúp cho trẻ có những biện pháp phù hợp trong việc điều trị. Cụ thể là:
– Từ 3- 5 tuổi nên được sàng lọc ít nhất 1 lần.
– Trước khi bước vào lớp 1 nên tiến hành sàng lọc thị lực ở trẻ.
– Việc khám mắt nên duy trì thường xuyên mỗi năm 1 lần cho đến khi trẻ kết thúc lớp 12.
Các biện pháp phòng ngừa cận thị
Để tránh cho mắt bị tăng độ cận, bạn có thể thực hiện một vài gợi ý sau:
– Giới hạn thời gian làm việc với các thiết bị điện tử.
– Nghỉ giải lao sau một khoảng thời gian nhìn gần để mắt được nghỉ ngơi.
– Đảm bảo điều kiện làm việc đầy đủ ánh sáng.
– Làm sạch và dưỡng ẩm mắt hằng ngày với nước rửa mắt chuyên dụng.
– Làm việc đúng tư thế.
– Đeo kính râm khi đi ra ngoài.
– Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, lutein tốt cho mắt.
– Xây dựng thói quen chăm sóc mắt hàng ngày.
Hiện nay, nguyên nhân bị cận thị ở trẻ em đến nhiều từ việc trẻ được tiếp xúc các thiết bị điện tử trong thời gian dài nên cha mẹ cần kiểm soát thời gian sử dụng các thiết bị này của con trẻ để tránh xuất hiện bệnh lý này từ sớm.
Sự gia tăng của cận thị là thực trạng đáng báo động trong thời gian gần đây. Mặc dù chưa nhận biết được nguyên nhân cận thị chính xác nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý này bằng việc xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp kết hợp với việc khám mắt định kỳ. Việc khám mắt định kỳ và chăm sóc mắt là vô cùng cần thiết để phát hiện cận thị trong giai đoạn sớm.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về cận thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Myopia, Patient, truy cập ngày 07/05/2024
2. Myopia (Nearsightedness), Cleveland Clinic, truy cập ngày 06/05/2024
3. Nearsightedness, Mayo Clinic, truy cập ngày 06/05/2024