Những cách trị đau mắt đỏ bạn cần biết

Xuất bản: UTC +7

Đau mắt đỏ là tình trạng hay gặp và rất dễ lây lan. Mặc dù không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh trong thời gian ngắn. Cùng tìm hiểu cách trị đau mắt đỏ và một số lưu ý để tránh lây nhiễm qua bài viết dưới đây!

Nguyên nhân gây nên đau mắt đỏ

Kết mạc là một màng mỏng trong suốt phủ lên mí mắt và nhãn cầu. Khi mạch máu nhỏ ở kết mạc bị kích thích sẽ khiến cho kết mạc có màu đỏ hoặc hồng. Tình trạng này được gọi là viêm kết mạc hay đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau mắt đỏ trong cuộc sống là:

– Virus: Đây là tác nhân chủ yếu gây nên tình trạng đau mắt đỏ và rất dễ lây lan.

– Vi khuẩn: Tác nhân này cùng với virus thường bị đau mắt đỏ 1 bên sau đó mới lan sang bên còn lại.

– Dị ứng: Bị cả hai bên, tiến triển nhanh, điều trị tốt tình trạng dị ứng các triệu chứng sẽ cải thiện.

Bị đau mắt đỏ bao lâu khỏi?

Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ mà thời gian khỏi bệnh là khác nhau. Bình thường thời gian hết hoàn toàn tình trạng này là từ 7-10 ngày nhưng sẽ khác nhau với các tác nhân. Cụ thể là:

– Vi khuẩn: Khỏi sau 5-7 ngày điều trị kháng sinh.

– Virus: Dễ lây lan và có thể mất đến 3 tuần để điều trị khỏi.

– Dị ứng: Không lây nhiễm và cải thiện rõ rệt khi mắt không còn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nữa.

Bị đau mắt đỏ nên làm gì?

Bình thường, người bệnh có thể tự khắc phục tình trạng đau mắt đỏ tại nhà. Một số mẹo chữa đau mắt đỏ sẽ giúp người bệnh giảm bớt ảnh hưởng của triệu chứng đến chất lượng cuộc sống.

Chườm mát

Đau mắt đỏ sẽ gây sưng và viêm quanh mắt khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và đau đớn. Chườm mát là biện pháp được sử dụng để khắc phục tình trạng này. Người bệnh có thể ngâm khăn mặt vào nước lạnh, sau đó vắt bớt nước và chườm miếng vải lên mắt trong vài phút.

Chườm mát giúp giảm đau đớn ở quanh mắt

Lưu ý, nếu nguyên nhân gây nên tình trạng này là do virus hay vi khuẩn, người bệnh không nên tái sử dụng khăn để tránh lây sang mắt bên cạnh hoặc các thành viên khác trong gia đình. Người bệnh cần sử dụng khăn sạch cho mỗi lần chườm và giặt khăn bằng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn.

Lau sạch bằng khăn ẩm

Lau mắt bằng khăn ẩm giúp giảm dịch đặc và mủ

Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường xuất hiện dịch đặc và mủ chảy ra từ mắt. Mủ này khô nhanh, dọc theo mí mắt gây nên tình trạng khó mở mắt, đặc biệt vào buổi sáng. Người bệnh nên sử dụng khăn ấm và ẩm nhẹ nhàng loại bỏ mủ khỏi mắt và lông mi để tránh gây tổn thương mắt.

Nước mắt nhân tạo

Nhỏ nước mắt nhân tạo giúp giảm tình trạng bỏng rát ở mắt

Đau mắt đỏ sẽ khiến cho vùng mắt đặc biệt đau nhức. Việc sử dụng nước mắt nhân tạo sẽ làm giảm kích ứng cũng như tình trạng bỏng rát ở mắt. Sản phẩm này đặc biệt hữu ích với những người đau mắt đỏ do dị ứng vì chúng có thể loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây bệnh ra khỏi mắt.

Tránh chạm vào mắt

Tránh chạm vào mắt là một trong những cách tránh lây lan hiệu quả

Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn rất dễ lây lan, đặc biệt là khi chạm tay vào mắt. Vì vậy, sau khi chạm tay vào mắt, người bệnh cần phải sửa tay bằng xà phòng để hạn chế tình trạng lây nhiễm. Ngoài ra, trong thời gian bị bệnh, người bệnh nên tránh đeo kính áp tròng và hạn chế trang điểm vùng mắt cho đến khi khỏi bệnh.

⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ

Cách trị đau mắt đỏ

Ngoài những biện pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng của đau mắt đỏ, mỗi một nguyên nhân gây bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Cụ thể là:

– Virus: Thường tự khỏi mà không cần điều trị. Trong những trường hợp nhiễm virus herpes simplex, bác sĩ có thể kể đơn thuốc kháng virus để điều trị.

– Vi khuẩn: Trong trường hợp các triệu chứng đau mắt đỏ nhẹ có thể không cần kê thuốc kháng sinh bệnh vẫn có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu xác định nguyên nhân là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh dùng tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ để điều trị bệnh. Thuốc kháng sinh sẽ giảm thời gian nhiễm trùng, giảm biến chứng cũng như ngăn ngừa lây lan sang những người khác.

– Dị ứng: Trong trường hợp dị ứng diễn biến có xu hướng nặng, bác sĩ có thể kê thuốc uống dị ứng và thuốc nhỏ mắt có chứa histamin và thuốc co mạch tại chỗ để cải thiện nhanh triệu chứng.

Khi nào cần liên hệ bác sĩ

Mặc dù đau mắt đỏ thường tự khỏi và có thể điều trị tại nhà nhưng nếu tình trạng này xuất phát ở những đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu, có tiền sử các bệnh về mắt hoặc tuổi còn nhỏ thì người bệnh nên được chăm sóc và theo dõi y tế tại các cơ sở chuyên khoa.

Ngoài ra, khi xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, người bệnh cũng nên đến các cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời:

– Dịch tiết từ mắt màu xanh lá cây hoặc vàng.

– Đau nhức mắt.

Khi đau nhức mắt dữ dội, người bệnh nên đến các cơ sở Nhãn khoa để được thăm khám

– Suy giảm thị lực.

– Nhạy cảm với ánh sáng.

– Sốt cao.

– Nhức mỏi cơ thể.

– Phát ban quanh người.

Một số nhầm lẫn trong điều trị đau mắt đỏ

Mọi người thường tin theo những mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất được truyền miệng từ người này sang người khác. Tuy nhiên, việc sử dụng các mẹo dân gian này có thể khiến các triệu chứng nặng thêm, dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, không có bằng chứng khoa học nào trong việc điều trị khỏi tình trạng đau mắt đỏ bằng sữa mẹ hay nước tiểu. Vì vậy, khi tiến hành điều trị, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn hiệu quả.

Ngăn ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ những biện pháp sau để hạn chế lây nhiễm bệnh lý này:

– Tránh tiếp xúc gần với người khác.

– Rửa tay thường xuyên.

– Tránh dụi hoặc chạm vào mắt bị bệnh.

– Thay vỏ gối, ga trải giường thường xuyên.

– Hạn chế sử dụng đồ trang điểm chung với người khác.

– Tránh đeo kính áp tròng khi trang điểm.

Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây nên người bệnh cần tuân thủ tốt các biện pháp phòng ngừa

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan đến cách trị đau mắt đỏ. Mặc dù đây là bệnh lý có thể tự khỏi nhưng người bệnh cũng cần biết những cách chăm sóc để giảm nhanh triệu chứng, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về đau mắt đỏ hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. How to Treat Pink Eye, CDC, truy cập ngày 20/05/2024

2. How to Treat Pink Eye, Mayo Clinic, truy cập ngày 20/05/2024

3. How long is pink eye contagious?, Medical News Today, truy cập ngày 20/05/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *