Nhược thị là tình trạng hình ảnh của một mắt yếu hơn mắt còn lại. Đây là nguyên nhân suy giảm thị lực hay gặp ở trẻ em. Tìm hiểu nhược thị có chữa được không và những lưu ý trong quá trình điều trị qua bài viết dưới đây nhé!
Nhược thị là gì?
Nhược thị là tình trạng thị lực kém ở một mắt do sự dẫn truyền thần kinh giữa mắt và não ở cả hai mắt không giống nhau. Tình trạng nhược thị ảnh hưởng đến 3% trẻ em.
Để con người có thể nhận biết được hình ảnh, võng mạc sau khi nhận được ánh sáng chiếu vào mắt sẽ gửi tín hiệu thần kinh đến não. Khi hình ảnh thu được ở một mắt mờ hơn mắt còn lại thì não bộ sẽ ưu tiên sử dụng tín hiệu do dây thần kinh thị giác mà mắt khỏe chuyển đến hơn là mắt có thị lực yếu hơn.
Nguyên nhân dẫn tới nhược thị
Nhược thị là một vấn đề về mắt liên quan đến sự phát triển và trao đổi thần kinh giữa dây thần kinh thị giác và não bộ. Trong trường hợp này, các dây thần kinh sẽ không hoạt động như bình thường khiến cho tần suất sử dụng hình ảnh ở các mắt là khác nhau.
Một số yếu tố có thể khiến cho tình trạng nhược thị xảy ra là:
– Lác.
– Gia đình có người mắc nhược thị.
– Thị lực hai mắt khác nhau.
– Tổn thương 1 mắt do chấn thương.
– Sụp mí mắt 1 bên.
– Thiếu vitamin A.
– Loét giác mạc.
– Phẫu thuật mắt.
– Tật khúc xạ như cận thị, viễn thị hoặc loạn thị.
– Tăng nhãn áp.
Nhược thị có chữa được không?
Khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân nhược thị phụ thuộc nhiều vào thời gian bắt đầu điều trị cũng như mức độ nặng của bệnh. Các dây thần kinh và đường kết nối giữa mắt và não được hình thành từ khi còn nhỏ. Vì vậy, điều trị tình trạng nhược thị thường có hiệu quả nhất với những người từ 7 tuổi trở xuống. Theo thống kê, có ít nhất 75% trẻ em được điều trị có sự cải thiện rõ ràng về thị lực. Tuy nhiên, sau quá trình cải thiện, thị lực có thể giảm nhẹ ở khoảng 50% trẻ em.
Sau khi được điều trị, 70% người bệnh sẽ cải thiện thị lực đáng kể trong 12 tháng. Tuy vậy, kể cả khi có điều trị thành công thì thị lực vẫn có thể bị suy giảm dần dần trong những năm tiếp theo. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị là:
– Điều trị muộn.
– Thị lực ban đầu kém.
Nhược thị có nguy hiểm không?
Biến chứng chủ yếu của nhược thị là giảm thị lực suốt đời và không thể phục hồi. Một số ảnh hưởng chính của tình trạng này đến với quá trình nhìn của người bệnh là:
– Giảm nhận biết giữa những màu sắc tương phản.
– Thị lực suy yếu.
– Hình ảnh của vật méo mó.
– Xuất hiện những đường viền bất thường trong tầm nhìn.
– Suy giảm thị lực kể cả ở mắt khỏe.
Những người bị nhược thị thường gặp phải thử thách khi nhận biết hình ảnh 3 chiều trong không gian. Trẻ bị nhược thị có thể bị suy giảm khả năng học tập, tăng cao nguy cơ xuất hiện lác.
Cách chữa nhược thị
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nhược thị mà bác sĩ sẽ có những chiến lược điều trị khác nhau. Cụ thể là:
Sử dụng kính thuốc
Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân gây ra nhược thị. Các tật khúc xạ có thể khiến cho thị lực ở mỗi mắt là khác nhau. Để lấy lại tầm nhìn sắc nét ở cả hai mắt, người bệnh nên đeo kính phù hợp với từng mắt.
Lưu ý, việc đeo kính sai độ có thể ảnh hưởng rất lớn đến thị lực. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được đo kính phù hợp với tình trạng của trẻ nhất.
Che một bên mắt
Nhiều người lầm tưởng rằng, che đi mắt yếu là một cách rất tốt để điều chỉnh tình trạng nhược thị. Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Người bệnh cần phải che mắt khỏe mạnh để hình thành lại củng cố thêm đường liên kết thần kinh giữa não bộ và mắt yếu. Thời gian đeo bịt mắt khoảng 2-6 giờ mỗi ngày.
Thời gian thực tế phụ thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, không phải đeo bịt mắt trong thời gian dài mỗi ngày là tốt. Vì khi đeo quá nhiều, đường liên kết quá mạnh, mắt khỏe có thể lại trở thành mắt bị nhược thị.
Thuốc nhỏ mắt
Việc sử dụng thuốc giãn đồng tử (atropin) sẽ khiến cho ánh sáng khó tập trung vào mắt không. Điều này khiến cho mắt được nhỏ thuốc (trong trường hợp này là mắt thuận) sẽ giảm thị lực. Lúc này, não sẽ ưu tiên sử dụng hình ảnh của mắt có thị lực yếu hơn.
Phẫu thuật
Các phẫu thuật dùng để điều trị nhược thị sẽ xoay quanh việc điều chỉnh độ dài hoặc vị trí của cơ mắt. Một số trường hợp các bác sĩ sẽ sử dụng phẫu thuật để điều trị là:
– Mí mắt bị sụp xuống.
– Đục thủy tinh thể.
– Thường xuyên nheo mắt.
– Điều chỉnh tật khúc xạ.
Chi phí mổ mắt nhược thị thường lớn hơn nhiều so với những phương pháp khác và hiệu quả của nó cũng chỉ phù hợp với những tình trạng nhất định.
Lưu ý khi điều trị nhược thị
Song song với việc lựa chọn phương án điều trị thì thời điểm điều trị cũng là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng với những người mắc chứng nhược thị. Vì vậy, việc kiểm tra thị lực thường xuyên cần là những điểm được ưu tiên trong việc sàng lọc về mắt ở học đường.
Các triệu chứng nhược thị sẽ dần được khắc phục sau vài tuần điều trị nhưng để nhìn thấy được kết quả, người bệnh cần phải kiên trì trong vòng vài tháng. Sau khi thị lực đã tốt hơn, người bệnh có thể giảm thời gian sử dụng bịt mắt hay thời gian sử dụng thuốc nhỏ mắt. Việc duy trì những hành động này có thể kéo dài vài tháng đến vài năm để tầm nhìn không bị mờ trở lại.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả câu trả lời cho câu hỏi “Nhược thị có chữa được không?”. Đây là một tình trạng cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu xuất hiện những vấn đề liên quan, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn những vấn đề liên quan.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về nhược thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. How to Correct a Lazy Eye, Healthline, truy cập ngày 24/05/2024
2. WHAT IS AMBLYOPIA?, American Association for Pediatric Ophthalmology, truy cập ngày 24/05/2024
3. Amblyopia, NIH, truy cập ngày 24/05/2024