Glocom là bệnh lý gây suy giảm thị lực thường gặp trong đời sống. Vậy giữa glocom góc mở và góc đóng có những điểm gì khác nhau. Cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách xử trí đối với những trường hợp này qua bài viết dưới đây nhé!
Glocom là gì?
Bệnh glocom là tập hợp một nhóm bệnh về mắt gây tổn thương thần kinh thị giác. Thần kinh thị giác là những tế bào đặc biệt quan trọng trong quá trình dẫn truyền những tín hiệu mà võng mạc thu thập được giúp mắt nhận biết được những hình ảnh của vật.
Phần trước của mắt có chứa một chất lỏng trong suốt là thủy dịch – chất dịch giúp nuôi dưỡng mắt. Lượng dịch này liên tục được mắt tạo ra để tạo điều kiện cho mắt hoạt động. Đa số dịch thoát ra bên ngoài nhờ một cấu trúc xốp phía trước mắt. Phần nhỏ còn lại được thoát nhờ vào góc giữa mống mắt và giác mạc. Trong trường hợp mà thủy dịch không thể thoát ra được sẽ dẫn tới nhãn áp tăng cao.
Sự tăng lên của nhãn áp có thể khiến cho những sợi thần kinh tập hợp ở võng mạc bị chèn ép và gây nên sự tổn thương từ từ đến cấu trúc này.
Glocom góc mở là gì?
Trong nhóm những bệnh lý gây tổn thương thần kinh thị giác thì glocom góc mở là bệnh lý thường gặp nhất. Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn tới tình trạng cấu trúc xốp của hệ thống thủy dịch hoạt động không hiệu quả.
Glocom góc đóng là gì?
Bệnh glocom góc đóng xảy ra khi góc giữa mống mắt và giác mạc bị hẹp hơn bình thường. Bệnh lý này ảnh hưởng tới một mắt nhưng theo một số thống kê có tới 40-80% mắt còn lại sẽ phát triển tình trạng glocom góc đóng trong vòng 5-10 năm.
Glocom góc mở và góc đóng, bệnh lý nào nguy hiểm hơn?
Glocom góc đóng thường diễn ra đột ngột, ảnh hưởng ngay lập tức đối với người bệnh nên được đánh giá nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm bệnh lý glocom góc mở thì hệ quả nó mang lại sau thời gian dài cũng tương tự như glocom góc mở.
Triệu chứng glocom
Như đã trình bày ở trên, vào giai đoạn đầu, người bệnh glocom góc mở sẽ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh nhận thấy là sự thay đổi từ từ thị lực hai bên. Người bệnh cảm thấy bị mờ hai bên của hình ảnh. Với kiểu tổn thương này, mắt đã mất đi khoảng 40% dây thần kinh thị giác.
Glocom góc đóng sẽ diễn biến nhanh hơn gây ra mất thị lực đột ngột. Một số dấu hiệu có thể đi kèm triệu chứng này là:
– Sưng giác mạc.
– Đau nhức một mắt.
– Đau đầu kèm mờ mắt.
– Xuất hiện quầng sáng cầu vồng quanh ánh sáng.
– Buồn nôn.
– Nôn.
Chẩn đoán bệnh lý glocom
Để chẩn đoán là bệnh glocom góc đóng hay mở, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi mắt để đo góc tạo bởi mống mắt và giác mạc. Đây là một xét nghiệm nhanh chóng và không gây đau.
Bệnh glocom góc mở
Để chẩn đoán và theo dõi biến chứng của bệnh glocom góc mở, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như:
– Đánh giá thị trường: Đây là xét nghiệm kiểm tra xem tầm nhìn hai bên (khi mắt nhìn thẳng có thể nhìn thấy những hình ảnh thế nào ở hai bên) đã bị ảnh hưởng như thế nào.
– Đo áp lực mắt: Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ đẩy một luồng khí vào nhãn cầu để đánh giá áp lực của mắt.
Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác bệnh lý này, bác sĩ sẽ tiến hành loại trừ những bệnh lý có thể những triệu chứng tương tự như:
– Các bệnh lý khác liên quan đến thần kinh thị giác.
– Rối loạn võng mạc.
– Rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Bệnh glocom góc đóng
Đo áp lực mắt là xét nghiệm sẽ được kết hợp với nội soi mắt trong chẩn đoán bệnh glocom góc đóng. Mặc dù bệnh lý này thường xảy ra ở một mắt nhưng với những xét nghiệm giúp đánh giá mắt còn lại sẽ gợi ý những nguy cơ mắc bệnh này ở mắt còn lại.
Có cần sàng lọc bệnh Glocom không?
Bệnh glocom góc mở được ví như kẻ cắp thị giác thầm lặng do ở những giai đoạn đầu tiên của bệnh thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy, mọi người cần thực hiện khám mắt chuyên sâu mỗi năm một lần để phát hiện sớm bệnh lý này, đặc biệt là những người sau 40 tuổi.
Trong trường hợp có những yếu tố nguy cơ dưới đây, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ về tần suất tầm soát bệnh glocom:
– Có tiền sử gia đình mắc tăng nhãn áp.
– Huyết áp cao.
– Mắc đái tháo đường type 2.
Bệnh glocom có chữa được không?
Bệnh glocom góc mở
Hiện nay, không có cách điều trị khỏi bệnh lý tăng nhãn áp góc mở. Tuy nhiên các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm tổn thương thần kinh thị giác và giúp bảo tồn thị lực. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
– Nguyên nhân gây tăng nhãn áp là nguyên phát hay thứ phát.
– Người bệnh có đang mắc bệnh lý nền nào ảnh hưởng tới mắt không.
– Mức độ của triệu chứng.
Loại điều trị | Các biện pháp lựa chọn |
Thuốc nhỏ mắt | Bắt đầu với prostaglandin. Trong trường hợp không thể sử dụng prostaglandin, bác sĩ cân nhắc sử dụng: – Chất ức chế beta giao cảm. – Chất ức chế men chuyển. – Chất kích thích cholinergic khiến đồng tử mắt co. |
Laser | – Tạo hình vùng ống thoát nước. – Quang đông thể mi. |
Phẫu thuật | – Tạo hình vùng ống thoát nước. – Thiết bị dẫn lưu tăng nhãn áp. |
Một số phương pháp điều trị glocom được sử dụng
Bệnh glocom góc đóng
Glocom góc đóng cần phải tiến hành điều trị cấp cứu để làm giảm áp lực bên trong mắt. Biện pháp điều trị có thể bao gồm 1 hoặc nhiều phương pháp sau:
– Giảm sản xuất thủy dịch bằng cách tiêm acetazolamide tĩnh mạch.
– Tăng cường thoát thủy dịch bằng thuốc nhỏ mắt pilocarpine.
– Giảm thể tích thủy dịch bằng mannitol tiêm tĩnh mạch.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng tia laser để tạo một lỗ nhỏ trên mống mắt, tạo điều kiện cho thủy dịch thoát ra ngoài.
Glocom là bệnh lý nguy hiểm có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Tùy thuộc là glocom góc mở hay góc đóng mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn những phương án điều trị khác nhau. Sàng lọc sớm là chìa khóa làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, bạn nên thực hiện tầm soát bệnh lý này càng sớm càng tốt nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về bệnh glocom hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
Open- vs. closed-angle glaucoma: What is the difference?, Medical News Today, truy cập 29/05/2024