Viễn thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp trong cuộc sống. Bệnh gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến lao động và sinh hoạt. Cùng tìm hiểu viễn thị là gì, nguyên nhân và cách khắc phục bệnh lý này qua bài viết dưới đây nhé!
Viễn thị là gì?
Viễn thị là tình trạng mắt nhìn rõ các vật ở xa nhưng không nhìn rõ các vật ở gần. Những người bị viễn thị thường gặp khó khăn trong việc tập trung vào những vật ở gần. Ở những người có độ viễn thị cao thì tầm nhìn có thể bị mờ ở mọi khoảng cách.
Theo một thống kê trên toàn cầu, có khoảng 4,6% trẻ em và 30,9 % người lớn mắc tật khúc xạ này. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tương đối dựa trên những nghiên cứu với những mục đích khác nhau ở những độ tuổi khác nhau.
Dấu hiệu viễn thị là gì?
Nếu viễn thị nhẹ, người bệnh có thể không nhận thấy những thay đổi về tầm nhìn. Tuy nhiên, nếu mắt phải làm việc kéo dài có thể biểu hiện một số triệu chứng viễn thị như:
– Nhìn mờ, đặc biệt là nhìn những vật ở gần mặt.
– Mờ mắt vào ban đêm.
– Khó đọc sách.
– Nhìn đôi khi đọc sách.
– Đau âm ỉ hốc mắt.
– Mỏi mắt.
– Phải nheo mắt để nhìn những vật ở gần.
Nguyên nhân dẫn tới viễn thị là gì?
Giác mạc là lớp bên ngoài của nhãn cầu có tác dụng bẻ cong ánh sáng để giúp cho ánh sáng có thể thuận lợi tập trung ở trung tâm võng mạc. Sở dĩ võng mạc có thể làm được điều này là do giác mạc có độ cong khiến cho tia sáng khi đi vào mắt phản xạ một góc nhất định. Khi giác mạc quá phẳng sẽ khiến cho tia sáng hội tụ phía sau võng mạc khiến cho mắt không thể điều tiết để nhìn thấy các vật ở gần.
Một nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng này là do chiều dài nhãn cầu từ trước ra sau tương đối ngắn làm cho độ dài trục bị giảm, khiến cho hình ảnh xuất hiện ở phía sau võng mạc.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Nguyên nhân viễn thị có thể bạn chưa biết
Bệnh viễn thị có di truyền không?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác viễn thị có di truyền hay không nhưng các giả thuyết được đặt ra cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn cho rằng các gen thì cha mẹ có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện viễn thị. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số gen ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt trong đó có chiều dài trục của mắt.
Một số người bị viễn thị mức độ cao có mắc một số rối loạn gen hoặc nhiễm sắc thể như:
– Hội chứng Down.
– Hội chứng xương thủy tinh.
– Bệnh mù màu.
⇒ Bạn có thể tham khảo: Viễn thị ở trẻ em và những điều cha mẹ nên biết
Biến chứng của viễn thị
Viễn thị nếu không được chăm sóc đúng cách có thể xuất hiện một số biến chứng như:
– Mắt lác: Một số trẻ bị viễn thị có thể xuất hiện tình trạng mắt lác. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được khắc phục nếu được điều trị bằng kính đeo mắt phù hợp.
– Suy giảm chất lượng cuộc sống: Tầm nhìn suy giảm ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác, tầm nhìn giảm cũng có thể khiến cho sự thích thú với các công việc hàng ngày suy giảm.
– Mỏi mắt: Việc phải nheo mắt hay căng mắt kéo dài khiến cho mắt phải làm việc trong thời gian dài gây ra tình trạng mỏi và đau đầu.
– Không an toàn: Khi thực hiện các công việc yêu cầu tầm nhìn chính xác như tham gia giao thông hoặc vận hành các thiết bị, viễn thị có thể gây nên những tai nạn đáng tiếc.
Khi nào cần gặp bác sĩ Nhãn khoa?
Trong trường hợp các triệu chứng của viễn thị rõ ràng, ảnh hưởng đến cuộc sống thì người bệnh có thể đến các cơ sở Nhãn khoa để được tư vấn và lựa chọn các phương pháp điều chỉnh thị lực. Tuy nhiên, không phải lúc nào các triệu chứng của viễn thị cũng rõ ràng nên nếu có điều kiện, mọi người có thể thực hiện tầm soát những bệnh về mắt theo khuyến cáo của chuyên gia.
Người lớn
Với những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt như tăng nhãn áp thì nên đi khám mắt 1-2 năm/lần từ khi 40 tuổi. Trong trường hợp không có các bệnh về mắt kể cả tật khúc xạ, người bệnh nên duy trì khám mắt định kỳ theo gợi ý sau:
– Lần đầu tiên khám mắt năm 40 tuổi.
– Từ 40 đến 54 tuổi: 2-4 năm/lần.
– Từ 55-64 tuổi: 1-3 năm /lần.
– Từ 65 tuổi: 1-2 năm/lần
Trẻ em
Trẻ em nên được sàng lọc các bệnh về mắt trong những khoảng thời gian như 6 tháng và 3 tuổi để phát hiện sớm những tật khúc xạ. Do trong giai đoạn này sẽ rất khó phát hiện những thay đổi về thị lực (vì trẻ chưa thật sự có định nghĩa đúng về tầm nhìn bình thường).
Chẩn đoán viễn thị
Viễn thị có thể chẩn đoán được nhờ vào các biện pháp đo thị lực và khám mắt cơ bản. Để đánh giá tình trạng khúc xạ, bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ khác nhau để xác định một số vấn đề như:
– Khả năng tập trung nhìn các vật thể ở gần.
– Sức khỏe chung của mắt.
– Tầm nhìn bên.
– Chuyển động của mắt.
– Đánh giá phản ứng của mắt.
Trong một số trường hợp khó xác định viễn thị do mắt điều tiết, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc giãn đồng tử để tăng kích thước đồng tử giúp nhìn được các cấu trúc sâu trong mắt như võng mạc hay thần kinh thị giác.
Điều trị viễn thị
Để điều trị viễn thị, bác sĩ có thể tư vấn sử dụng kính mắt hoặc thực hiện các ca phẫu thuật mắt để cải thiện tầm nhìn cho người bệnh. Cụ thể là:
– Kính thuốc: Sử dụng thấu kính hội tụ để giúp cho ánh sáng tập trung vào trung tâm võng mạc. Mức độ viễn thị sẽ quyết định độ cũng như tần suất mà người bệnh sử dụng.
– Kính áp tròng: Loại kính này có hoạt động tương tự kính thuốc nhưng những loại này cần phải được vệ sinh thường xuyên do tiếp xúc trực tiếp với mắt. Sử dụng kính áp tròng dài ngày có thể dẫn đến tình trạng khô mắt hoặc nhiễm trùng mắt.
– Phẫu thuật: Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật laser để định hình lại giác mạc hoặc đặt một thấu kính nội nhãn trong mắt để cải thiện tầm nhìn của người bệnh.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Viễn thị có mổ được không? Những lưu ý khi mổ viễn thị
Phòng ngừa viễn thị
Mặc dù không có biện pháp nào được chứng minh có thể ngăn ngừa tật viễn thị nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện một số gợi ý sau để giữ cho đôi mắt khỏe mạnh:
– Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp: Bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein trong những loại trái cây và rau xanh
– Chú tâm hơn vào việc chăm sóc mắt, vệ sinh mắt và dưỡng ẩm mắt hàng ngày với dung dịch vệ sinh và dưỡng mắt chuyên dụng. Thói quen này không chỉ giúp mắt bạn sáng và khỏe hơn, hạn chế tình trạng khô mắt, mỏi mắt, mờ mắt mà còn giúp bảo vệ thị lực an toàn và hiệu quả.
– Khám mắt định kỳ: Để phát hiện sớm các bệnh lý về mắt.
– Đeo kính râm: Tránh ảnh hưởng của tia cực tím đến mắt.
– Cho mắt nghỉ ngơi thường xuyên, thay đổi một số thói quen khi nhìn vào màn hình máy tính như tăng độ sáng vừa phải, chớp mắt thường xuyên, quy tắc 20-20-20 (làm việc 20 phút nhìn xa 20 feet (6,1 m) trong 20 giây).
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn câu trả lời “viễn thị là gì?” cũng như một số dấu hiệu phát hiện bệnh lý này. Viễn thị có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống nên bạn cần tuân thủ theo những khuyến cáo để được chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng này nhé.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về viễn thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Hyperopia (Farsightedness), Cleveland Clinic, truy cập ngày 09/05/2024
2. Farsightedness, Mayo Clinic, truy cập ngày 09/05/2024
3. What to know about farsightedness, Medical News Today, truy cập ngày 09/05/2024