Các bài tập mắt chữa song thị mặc dù không thể điều trị hết những nguyên nhân dẫn tới song thị nhưng cũng có thể giúp cải thiện một chút tầm nhìn. Cùng tìm hiểu một số bài tập mắt chữa song thị và những lưu ý liên quan qua bài viết dưới đây nhé!
Song thị là gì?
Song thị là tình trạng nhìn thấy hai hình ảnh của một vật thể thay vì 1 hình ảnh. Song thị có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
Một cách đơn giản để phân biệt hai tình trạng này là song thị một mắt thì người bệnh chỉ nhìn thấy hai hình ảnh có xu hướng chồng lấp lên nhau khi nhắm một mắt. Ngược lại, song thị hai mắt thì người bệnh sẽ xuất hiện tầm nhìn đôi nếu nhìn bằng cả 2 mắt.
Song thị có tự khỏi không?
Song thị do nhiều nguyên nhân gây ra và không chỉ liên quan đến những bệnh lý của mắt. Một số nguyên nhân thường gặp của song thị như:
– Bệnh về mắt: Loạn thị, keratoconus (bệnh giác mạc hình nón), khô mắt kéo dài, sẹo giác mạc, nhiễm trùng mắt.
– Bệnh toàn thân: Cường giáp, bệnh tiểu đường, bệnh đa xơ cứng, bệnh nhược cơ (thay đổi cách thần kinh giao tiếp với cơ), hội chứng Guillain-Barre.
– Bệnh lý liên quan đến thần kinh: Đau nửa đầu, đột quỵ, phình động mạch não, u não, áp xe não, chấn thương sọ não.
– Nguyên nhân khác: Tác dụng phụ của thuốc, uống nhiều rượu.
Vì song thị do nhiều nguyên nhân gây ra nên nếu không thực hiện những thay đổi hay điều trị thích hợp thì bệnh không thể tự khỏi.
Bài tập mắt chữa song thị
Mặc dù các bài tập mắt không thể giúp giải quyết toàn bộ các nguyên nhân dẫn tới song thị nhưng các bài tập có thể giúp giảm các triệu chứng ở những người bị suy giảm khả năng hội tụ (tình trạng hai mắt không thể di chuyển về cùng một hướng khi nhìn các vật ở khoảng cách gần).
Mọi người nên thử các bài tập mắt ba đến bốn lần mỗi ngày, tối đa 2 phút mỗi lần.
Tăng khả năng nhìn với các vật gần mũi
Mọi người chỉ cần sử dụng bút hoặc các vật tương tự khi thực hiện bài tập này để giúp mắt có thể thoải mái nhìn một vật ở gần mũi. Cách thực hiện:
– Bước 1: Giữ bút hoặc các vật tương tự ngang tầm mắt, cách một sải tay và tập trung nhìn vào nó.
– Bước 2: Đưa từ từ vật thể lại phía mũi, đảm bảo mắt luôn nhìn thấy chỉ 1 hình ảnh.
– Bước 3: Ngay khi đối tượng bắt đầu thành hai ảnh, người bệnh cần ngừng di chuyển và cố gắng tập trung vào vật để thu được 1 ảnh duy nhất.
– Bước 4: Khi thu được 1 ảnh duy nhất, tiếp tục di chuyển lại gần phía mũi.
– Bước 5: Lặp lại bài tập.
Bài tập gần – xa
Bài tập này bắt buộc tầm nhìn của người thực hiện thay đổi giữa một vật ở gần và một vật ở xa. Cách thực hiện:
– Bước 1: Cầm bút hoặc các vật tương tự bằng một tay trong khi mắt nhìn vào khoảng không.
– Bước 2: Giữ vật ở một khoảng cách sải tay. Lưu ý, cần đảm bảo vật ở trong tầm nhìn.
– Bước 3: Để mắt tập trung nhìn vào vật thể trong vài giây, sau đó lại nhìn vào khoảng không.
– Bước 4: Lặp lại các bước này. Lưu ý khi thực hiện cần đảm bảo tập trung nhìn để chỉ xuất hiện 1 ảnh duy nhất.
Bài tập chấm tròn
Mục đích của bài tập chấm tròn là giúp cho người bệnh có thể nhìn được điểm gần mũi nhất mà không xuất hiện tình trạng song thị. Dụng cụ thực hiện cho bài tập này là một mảnh giấy có các dấu chấm ở giữa theo các khoảng cách cố định. Cách thực hiện:
– Bước 1: Giữ thể đảm bảo chạm mũi vào chấm gần nhất của thẻ.
– Bước 2: Tập trung vào điểm xa nhất trên mảnh giấy.
– Bước 3: Di chuyển tiêu điểm quan sát đến dấu chấm tiếp theo, tập trung quan sát đảm bảo không xuất hiện tình trạng song thị.
– Bước 4: Nhìn tiêu điểm trong vòng 10 phút.
– Bước 5: Tiếp tục di chuyển đến dấu chấm tiếp theo dọc theo thẻ và dần dần tiến đến gần mũi hơn. Nếu xuất hiện tình trạng song thị, người bệnh cần tiến hành quan sát lại dấu chấm trước đó.
Bài tập sử dụng hình ảnh lập thể
Để thực hiện bài tập này, người bệnh sẽ được quan sát một tờ giấy có hai hình ảnh không hoàn chỉnh mà khi chồng lên nhau sẽ thu được một hình ảnh hoàn chỉnh. Cách thực hiện:
– Bước 1: Giữ mảnh giấy chứa hình ảnh vừa bằng một sải tay.
– Bước 2: Tập trung vào hình ảnh sau đó di chuyển dần dần về phía mũi.
– Bước 3: Trong khi tập trung vào phần trên đối tượng, người thực hiện nên chú ý đến những ảnh mà vật tách ra.
– Bước 4: Khi vật thể gần mũi hơn, ảnh lập thể sẽ tách thành hai hình ảnh.
– Bước 5: Khi đối tượng ở gần mũi, hai hình ảnh được tách ra sẽ chồng lên nhau tạo thành hình ảnh thứ 3.
Khi nào song thị cần gặp bác sĩ?
Mặc dù có một số nguyên nhân của nhìn đôi không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng khi xuất hiện dấu hiệu này kéo dài, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Khi xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
– Mệt mỏi.
– Mỏi mắt.
– Khó nuốt.
– Chóng mặt.
– Rối loạn ngôn ngữ.
– Đau đầu.
– Đi lại khó khăn.
– Không kiểm soát được tầm nhìn.
– Yếu một bên.
– Mất thị lực đột ngột.
Mong rằng bài viết đã cung cấp một số thông tin về các bài tập mắt chữa song thị. Mặc dù không thể điều trị hoàn toàn các bệnh lý gây nên tình trạng song thị nhưng trong trường hợp cần tập trung hơn, người bệnh có thể hỏi bác sĩ về việc thực hiện biện pháp này.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về song thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. How to Cure Double Vision, Wikihow, truy cập ngày 01/06/2024
2. Double vision treatment, All About Vision, truy cập ngày 01/06/2024
3. 4 eye exercises for double vision, Medical News Today, truy cập ngày 01/06/2024