Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây nên tình trạng mù lòa cao nhất trên thế giới. Việc phát hiện sớm bệnh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm gánh nặng đối với xã hội. Cùng tìm hiểu dấu hiệu đục thủy tinh thể trong các giai đoạn qua bài viết dưới đây nhé!
Đục thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể là một trong hai cấu trúc của mắt giúp ánh sáng tập trung chính xác tại võng mạc. Tại đây, hình ảnh mà võng mạc thu được sẽ theo các dây thần kinh thị giác đến não bộ để tiến hành xử lý.
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể không còn trong suốt như bình thường mà xuất hiện vẩn đục. Sự vẩn đục này ảnh hưởng đến quá trình khúc xạ ánh sáng khiến cho tầm nhìn của người bệnh bị thay đổi.
Có nhiều nguyên nhân đục thủy tinh thể trong đời sống như:
– Lão hóa thể thủy tinh do tuổi già.
– Chấn thương mắt.
– Bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp,…
– Sử dụng corticoid trong thời gian dài.
– Hút thuốc lá.
– Tiếp xúc bức xạ.
Dấu hiệu đục thủy tinh thể
Khi môi trường khúc xạ không còn trong suốt, ánh sáng khúc xạ không đúng cách, người bệnh sẽ thấy xuất hiện một số triệu chứng như:
Tầm nhìn xuất hiện mờ như sương
Đây là triệu chứng thường xuất hiện ở giai đoạn sớm của bệnh. Người bệnh sẽ nhận thấy những hình ảnh phía trước mắt mờ đi rất nhẹ, giống như khi ta nhìn vào một sự vật những ngày có sương hoặc bụi. Lớp sương ở tầm nhìn này dần dần tăng theo thời gian dẫn tới tầm nhìn của người bệnh trở nên mờ ảo hơn.
Với những người đục thủy tinh thể nhân (vùng trung tâm) thì thị lực của họ có thể cải thiện trong thời gian ngắn khiến người bệnh lầm tưởng mình đã khỏi bệnh.
Khó khăn khi lái xe vào ban đêm
Triệu chứng này thường xuất hiện vào giai đoạn sớm của bệnh nhưng được ít người chú ý. Sở dĩ có tình trạng này là do màu của tinh thể không còn trong suốt và bắt đầu thay đổi màu sắc thành vàng hoặc nâu. Ánh sáng ban đêm thường có cường độ thấp hơn so với ban ngày nên khả năng khúc xạ của thủy tinh thể bị đục sẽ giảm sút rất nhiều.
Điều này gây khó khăn cho người bệnh khi tham gia các hoạt động vào ban đêm như lái xe. Theo một nghiên cứu chỉ ra rằng, điều trị đục thủy tinh thể có thể giảm 13% tỷ lệ tai nạn giao thông.
Vì vậy, khi nhận thấy dấu hiệu này, bạn không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở chuyên Nhãn khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Lưu ý, bạn có thể nhận biết được triệu chứng này nếu khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc đèn pha, bạn có xu hướng nheo mắt lại để hạn chế ánh sáng.
Đổi màu thủy tinh thể
Bình thường, thủy tinh thể có màu sắc trong suốt có tác dụng giúp ánh sáng phản xạ đúng cách. Tuy nhiên, khi các protein dính với nhau có làm cho thủy tinh thể không còn đồng nhất mà xuất hiện những màu sắc như vàng, nâu hoặc trắng đục. Người bệnh có thể quan sát được sự thay đổi này vào giai đoạn muộn của bệnh.
Suy giảm thị lực
Việc ánh sáng không được khúc xạ đúng cách sẽ ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Ban đầu, người đục thủy tinh thể có thể gặp khó khăn trong việc nhìn xa. Khi mà thủy tinh thể đục càng nhiều thì thị lực của người bệnh càng giảm. Cuối cùng, nếu không được điều trị có thể dẫn tới mù lòa.
Nhạy cảm với ánh sáng
Nhạy cảm với ánh sáng là triệu chứng thường gặp ở người bệnh đục thủy tinh thể. Đặc biệt với ánh sáng có cường độ cao có thể gây nên khó chịu, nặng hơn là đau đớn cho người bệnh. Triệu chứng này thường gặp ở những người bị đục thủy tinh thể dưới bao sau – đục thủy tinh thể loại này thường phát triển nhanh ở phía sau của thủy tinh thể, chặn đường đi của ánh sáng nên gây cản trở đến thị lực.
Nhìn thấy quầng sáng quanh đèn
Khi thủy tinh thể bị mờ, ánh sáng đi vào mắt sẽ không tập trung ở một điểm như trước mà đi vào mắt theo nhiều hướng khác nhau. Điều này sẽ khiến cho nhiều hình ảnh sẽ được mắt nhận biết. Sự tán xạ bất thường này sẽ dẫn tới nhiều quầng sáng xuất hiện bao quanh hình ảnh mà người bệnh nhận được.
Sự vật luôn bị phủ một gam màu nâu vàng
Khi thủy tinh thể bị đục quá mức, các protein bị biến tính dính chặt với nhau khiến cho thủy tinh thể dần chuyển sang màu vàng hoặc nâu. Điều này khiến cho mọi ánh sáng đi đến võng mạc đều có màu vàng.
Triệu chứng này ảnh hưởng đến việc phân biệt màu sắc của người bệnh. Những người mắc đục thủy tinh thể giai đoạn sau này có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt những màu sắc như xanh nước biển, nâu, đen, xanh lá cây, xanh dương và tím.
Song thị
Việc ánh sáng đi vào mắt không tập trung thành một hình ảnh nhất định có thể khiến cho người bệnh xuất hiện tình trạng nhìn đôi. Tuy nhiên, triệu chứng này không đặc trưng cho đục thủy tinh thể. Một số bệnh lý khác cũng xuất hiện dấu hiệu này như:
– U não.
– Chấn thương sọ não.
– Đa xơ cứng.
– Đột quỵ.
– Bệnh nhược cơ.
Đục thủy tinh thể có chữa được không?
Đục thủy tinh thể có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng cách thay thế thủy tinh thể bị đục bằng một thấu kính trong suốt có tính chất tương tự giúp ánh sáng khúc xạ đúng cách. Đây là phương pháp được ghi nhận duy nhất có thể điều trị tình trạng này.
Hiện nay, không tồn tại cách điều trị đục thủy tinh thể tại nhà nhưng nếu ở giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể thay đổi một số thói quen để giảm ảnh hưởng của bệnh này đến chất lượng cuộc sống:
– Tăng độ sáng của đèn so với bình thường.
– Đeo kính để nhìn rõ hơn.
– Có thể sử dụng kính lúp để nhìn rõ vật.
– Chỉnh chữ ở thiết bị điện tử to hơn.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn các dấu hiệu để nhận biết đục thủy tinh thể. Lưu ý, đây là bệnh diễn biến từ từ nhưng có thể gây nên tình trạng mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến những thay đổi của mình và những người xung quanh để chẩn đoán sớm bệnh lý này nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về đục thủy tinh thể hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
7 Symptoms of Cataracts, Healthline, truy cập 13/06/2024