Viêm túi lệ hay nhiễm trùng túi lệ là tình trạng bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của viêm túi lệ qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm túi lệ là gì?
Viêm túi lệ (nhiễm trùng túi lệ) là tình trạng bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa. Viêm túi lệ xảy ra khi ống dẫn nước mắt từ mắt đến mũi, bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này có thể gây viêm và đau, cũng như tích tụ nước mắt và mủ.
Phân loại viêm túi lệ: Tùy thuộc và nguyên nhân, viêm túi lệ có thể phân loại thành viêm túi lệ cấp tính, viêm túi lệ mãn tính.
Viêm túi lệ cấp tính được đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng đột ngột, bệnh nhân có thể kèm theo các triệu chứng như đau nhức vùng túi lệ, túi lệ có biểu hiện sưng, nóng, đỏ,…
Viêm túi lệ mãn tính là tình trạng nhiễm trùng tái phát ở mắt, thường do các bệnh về niêm mạc mũi (viêm mũi) với phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn hoặc các bệnh chung như giang mai và lao. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng chảy nước mắt nhiều và sưng không đau ở túi lệ. So với viêm túi lệ cấp tính, viêm túi lệ mãn tính thường có các triệu chứng nhẹ hơn nhưng tái phát nhiều hơn.
Nguyên nhân gây viêm túi lệ
Viêm túi lệ thường do tắc nghẽn ở ống dẫn nước mắt. Điều này làm giảm lưu lượng nước mắt và dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và viêm. Các tình trạng gây tắc nghẽn ống dẫn nước mắt bao gồm:
- Nhiễm trùng xoang. Đặc biệt là ở các xoang hàm dưới, gần mũi.
- Tiếp xúc với cùng loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn.
- Sự phát triển bất thường của mô hoặc khối u trong hệ thống lệ mũi.
- Viêm mũi hoặc áp xe.
- Chấn thương.
Triệu chứng, biến chứng của viêm túi lệ
Triệu chứng viêm túi lệ mãn tính
Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, trong một số trường hợp đặc biệt có thể kèm theo chảy mủ.
Mi mắt bị dính vào nhau do mắt tăng tiết chất nhầy.
Vùng túi lệ bị sưng căng, ấn vào thấy có mủ nhầy xuất hiện ở gốc mắt.
Viêm kết mạc.
Triệu chứng viêm túi lệ cấp tính
Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt hoặc chảy nước mắt kèm theo dịch mủ nhầy.
Vùng túi lệ có hiện tượng sưng, nóng, đỏ kèm theo đau nhức, đau có thể tăng liên khi bệnh nhân liếc mắt do phản ứng viêm gây ảnh hưởng đến cơ chéo dưới. Vùng đau có thể lan sang nửa đầu cùng bên túi lệ bị viêm, một số trường hợp còn kèm theo đau tai hoặc đau răng.
Túi lệ bị giãn rộng, trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây áp xe túi lệ.
Ở giai đoạn viêm muộn, dò mù có thể xuất hiện ngoài da.
Biến chứng của viêm túi lệ
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm túi lệ mãn tính có thể dẫn đến viêm kết mạc, viêm giác mạc. Bên cạnh đó, viêm túi lệ mãn sẽ xuất hiện các đợt viêm cấp, gây áp xe túi lệ hoặc nặng hơn là viêm tổ chức hốc mắt.
Điều trị kịp thời viêm túi lệ là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như viêm mô tế bào hốc mắt, viêm xoang, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Điều trị viêm túi lệ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và có biến chứng hay không. Trong trường hợp nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và chườm ấm. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng nghiêm trọng hơn hoặc có biến chứng, có thể cần phẫu thuật để thông ống dẫn nước mắt và cho phép dẫn lưu nước mắt bình thường.
Điều trị viêm túi lệ
Điều trị viêm túi lệ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và các biến chứng có thể xảy ra. Trên thực tế, có thể cần cả điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật.
Điều trị nội khoa thường được chỉ định cho các trường hợp viêm túi lệ cấp tính nhằm giải quyết tình trạng nhiễm trùng. Sau khi tình trạng viêm cấp đã được kiểm soát thì tiến hành điều trị phẫu thuật để loại trừ ổ viêm mãn tính trong túi lệ.
Bệnh nhân bị viêm túi lệ có thể cần phải chỉ định điều trị phẫu thuật nối thông túi lệ mũi để cải thiện tình trạng tắc nghẽn và viêm tại chỗ. Trường hợp không mổ nối thông được thì bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật cắt túi lệ.
Trên đây là những thông tin tổng quát về bệnh lý viêm túi lệ. Nếu cần tìm hiểu các thông tin phòng bệnh viêm túi lệ hoặc tư vấn các sản phẩm chăm sóc mắt, độc giả có thể liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
Acute dacryocystitis complicated by orbital cellulitis and loss of vision: A case report and review of the literature, NCBI, truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2024.