Đau mắt đỏ là bệnh lý thường xuyên xảy ra tuy nhiên khi bà bầu mắc bệnh lý này thì có thể gây nên tâm lý lo lắng về sức khỏe của thai nhi. Cùng tìm hiểu những thông tin về bệnh lý này cũng như những cách chữa đau mắt đỏ cho bà bầu nhanh nhất qua bài viết dưới đây nhé!
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng kết mạc (màng mỏng bao quanh mí mắt và nhãn cầu) bị kích thích gây nên tình trạng sưng, đỏ và viêm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do kết mạc bị nhiễm khuẩn.
Phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ có sao không?
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tình trạng này thường khỏi hoàn toàn trong vòng 7-10 ngày mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào với người bệnh. Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng những loại thuốc an toàn cho sản phụ. Nhưng vì khả năng miễn dịch của mẹ bầu thường yếu hơn bình thường trong quá trình mang thai nên người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc để tránh gây nên những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ khi mang thai
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ khi mang thai cũng là các yếu tố thường thấy gây nên tình trạng đau mắt đỏ với người lớn. Cụ thể là:
Vi khuẩn
Vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đau mắt đỏ. Yếu tố này có thể khiến cho mắt sưng đỏ, ngứa kèm theo dịch vàng. Trong một số trường hợp, đau mắt đỏ có thể kèm theo các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp.
Virus
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng đau mắt đỏ là do virus. Bệnh thường xuất hiện ở một mắt sau đó nhanh chóng lan sang mắt còn lại. Đây là tình trạng đau mắt đỏ dễ lây truyền nhất và thường đi kèm những dấu hiệu của cảm lạnh và đau họng.
Dị ứng
Nước mắt chúng ta có thể chảy sau khi tiếp xúc với các vật lạ như cát, bụi bẩn, dị vật xâm nhập vào trong mắt. Người bệnh có thể cảm thấy đau mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt. Tình trạng này thường xuất hiện ở cả hai mắt.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc đau mắt đỏ là:
– Dụi mắt: Mẹ bầu thường xuyên dụi mắt có thể tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn xâm nhập vào kết mạc và gây bệnh.
– Tiếp xúc cơ thể: Tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ có thể tăng nguy cơ mắc bệnh vì đau mắt đỏ có thể dễ dàng lây lan sau 24-72 giờ tiếp xúc.
– Thay đổi nội tiết tố: Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến cho cơ chế bảo vệ mắt yếu đi làm cho mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng hơn.
Triệu chứng đau mắt đỏ
Một số triệu chứng đau mắt đỏ thường gặp ở phụ nữ mang thai là:
– Đỏ và sưng mí mắt.
– Lòng trắng có màu đỏ kèm theo dịch tiết màu trắng, vàng hoặc xanh.
– Dễ bị kích động bởi ánh sáng.
– Xuất hiện vảy quanh mí mắt.
– Ngứa và khó chịu.
– Đau mắt.
– Giảm thị lực.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Dấu hiệu đau mắt đỏ: Có thể bạn đã bỏ qua
Thuốc trị đau mắt đỏ cho bà bầu
Với mỗi nguyên nhân gây bệnh sẽ có những cách điều trị khác nhau. Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh gây nên những biến chứng không tốt với thai nhi.
Thuốc nhỏ mắt cho bà bầu
Nếu nguyên nhân gây nên đau mắt đỏ là do vi khuẩn thì mẹ bầu cần phải sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. Thuốc nhỏ mắt loại này giúp cải thiện các triệu chứng trong vòng vài ngày nhưng để mắt trở lại bình thường thì có thể mất khoảng 1 tuần.
Phần lớn kháng sinh nhỏ mắt như tobramycin, erythromycin và ofloxacin đều an toàn với mẹ bầu và cả thai nhi. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, mẹ bầu cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.
Với những nguyên nhân gây nên đau mắt đỏ khác như virus hay dị ứng, mẹ bầu cần tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ để tránh thuốc gây nên những tác hại xấu cho thai nhi.
Nước mắt nhân tạo
Nước mắt nhân tạo là một phương pháp thường được khuyến cáo sử dụng để làm giảm tình trạng viêm và kích ứng ở mắt. Sản phẩm này không phải là thuốc nên có thể sử dụng thường xuyên để tránh khô cũng như kích ứng mắt. Do chỉ có tính chất dưỡng ẩm nên nước mắt nhân tạo an toàn đối với phụ nữ mang thai.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Những cách trị đau mắt đỏ bạn cần biết
Mẹo chữa đau mắt đỏ tại nhà
Ngoài sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, mẹ bầu có thể thực hiện những mẹo chăm sóc mắt tại nhà dưới đây để giảm một số triệu chứng của đau mắt đỏ.
– Chườm ấm: Chườm ấm không những giảm triệu chứng khô mắt, cải thiện lưu thông máu mà còn giúp giảm viêm và sự khó chịu ở mắt một cách hiệu quả. Lưu ý, mẹ bầu nên sử dụng gạc mới mỗi lần thực hiện để tránh nhiễm trùng.
– Túi trà xanh: Trà xanh là một phương thuốc dân gian giúp giảm sự xuất hiện của quầng thâm cũng như làm dịu đôi mắt sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vì vậy, mẹ bầu có thể ngâm túi trong túi nước nóng 20 phút sau đó để nguội và chườm lên mắt để giúp mắt thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
– Làm sạch nhẹ nhàng: Sử dụng bông ẩm để loại bỏ những dịch tiết gây khó chịu cho mắt. Lưu ý, người bệnh bắt buộc phải sử dụng khăn sạch để tránh nhiễm khuẩn và lây lan nguyên nhân gây bệnh.
– Không dùng kính áp tròng: Trong thời gian điều trị, người bệnh không nên sử dụng kính áp tròng để tránh làm tổn thương cấu trúc của mắt.
Phòng ngừa đau mắt đỏ khi mang thai
Mang thai là một trong những giai đoạn mà hệ miễn dịch của phụ nữ yếu đuối hơn bình thường. Vì vậy, để tránh đau mắt đỏ, mẹ bầu nên tuân thủ theo một số hướng dẫn sau:
– Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mắt hay mỹ phẩm với người khác.
– Không tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ.
– Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
– Thường xuyên làm sạch và khử trùng kính đeo mắt.
– Thay vỏ gối và ga trải giường thường xuyên.
– Tránh chạm tay chưa rửa sạch vào mặt và mắt.
– Tránh xa những nơi đông người để hạn chế khả năng lây nhiễm.
– Sử dụng khăn giấy dùng một lần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả thông tin về cách chữa đau mắt đỏ cho bà bầu nhanh nhất. Cần hiểu rằng, việc sử dụng thuốc của thai phụ có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, khi điều trị bệnh lý này, mẹ bầu cần phải đến các cơ sở Nhãn khoa để được các bác sĩ điều trị hiệu quả.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về đau mắt đỏ hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Here’s What to Do If You Get Pink Eye (Conjunctivitis) While Pregnant, Healthline, truy cập ngày 21/05/2024
2. Conjunctivitis (Pink Eye) During Pregnancy, Parenting Firstcry, truy cập ngày 21/05/2024
3. Ocular Changes During Pregnancy, NIH, truy cập ngày 21/05/2024
4. Safety of topical ophthalmic antibiotics in pregnant women with hordeola, chalazia, blepharitis, or bacterial conjunctivitis: propensity score analyses, Nature, truy cập ngày 21/05/2024