Loạn thị có tự khỏi không? Lưu ý chăm sóc

Xuất bản: UTC +7

Loạn thị có tự khỏi không?” là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Loạn thị cần phải được chăm sóc và điều trị thích hợp để các triệu chứng của bệnh lý này không tăng lên. Cùng tìm hiểu câu trả lời cũng như những phương pháp hỗ trợ điều trị qua bài viết dưới đây nhé!

Loạn thị là gì?

Loạn thị là một trong những tật khúc xạ mắt thường gặp trong cuộc sống. Sở dĩ có tình trạng này là do các tia sáng đi vào trong mắt trải qua hai môi trường khúc xạ là giác mạc và thủy tinh thể nhưng thay vì hội tụ tại một điểm thì lại xuất hiện nhiều điểm sáng ở võng mạc. 

Loạn thị là tình trạng xuất hiện nhiều điểm sáng ở võng mạc

Những điểm sáng xuất hiện bất thường ở võng mạc khiến cho hình ảnh thu được sẽ méo mó, mờ hoặc nhòe.

Tại sao bị loạn thị?

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn tới loạn thị. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ loạn thị có thể được kể đến như:

– Di truyền: Những người trong gia đình, đặc biệt là bố hoặc mẹ có người bị loạn thị hoặc các bệnh lý về mắt, thì con sinh ra có nguy cơ loạn thị cao hơn những đứa trẻ khác.

– Chấn thương mắt: Những chấn thương mắt có thể ảnh hưởng đến giác mạc, thủy tinh thể hoặc bất kỳ cấu trúc nào khác của mắt. Điều này khiến cho ánh sáng đi vào bị ảnh hưởng, có thể dẫn tới tình trạng loạn thị.

– Bệnh Keratoconus: Đây là bệnh lý di truyền mà độ cong của giác mạc lớn hơn bình thường. Khi cấu trúc này cong hơn, mức độ khúc xạ ánh sáng có thể bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng loạn thị.

Khi giác mạc cong bất thường sẽ khiến cho ánh sáng khúc xạ không đúng cách

– Thoái hóa giác mạc: Giác mạc bị thoái hóa có thể khiến cho quá trình khúc xạ ánh sáng xuất hiện nhiều bất thường và gây nên tình trạng loạn thị.

– Sau phẫu thuật mắt: Mặc dù rất ít khi xảy ra nhưng sau các phẫu thuật mắt, đặc biệt khi phẫu thuật viên không có kinh nghiệm, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng loạn thị.

– Bất thường thai kỳ: Những bất thường thai kỳ, đặc biệt là tình trạng mẹ tiếp xúc với khói thuốc trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Điều này có thể làm tăng nguy cơ loạn thị bẩm sinh ở trẻ.

Loạn thị có tự khỏi không?

Mặc dù chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn tới tình trạng loạn thị, tình trạng này xảy ra do giác mạc hay thủy tinh thể có cấu trúc bất thường. Vì loạn thị không thể tự khỏi, nên nếu không điều trị sẽ không được cải thiện.

Lưu ý, tình trạng loạn thị có thể đi kèm cận thị hoặc viễn thị. Do đó,  việc chẩn đoán có loạn thị đi kèm cận thị hay viễn thị luôn được các bác sĩ kết hợp.

Loạn thị có tăng độ không?

Bình thường, độ loạn thị sẽ không thay đổi theo thời gian như các tật khúc xạ như viễn thị hay cận thị. Tuy nhiên với những trẻ em bị loạn thị bẩm sinh, do các cấu trúc mắt còn tiếp tục phát triển nên độ loạn thị vẫn chưa được ổn định. Vì vậy, độ loạn thị chỉ ổn định khi người bệnh trưởng thành.

Độ loạn thị thường không thay đổi theo thời gian

Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh duy trì những thói quen xấu như nhìn vào ánh sáng yếu trong thời gian dài hoặc không cho mắt nghỉ ngơi đúng cách, độ loạn thị cũng có thể tăng.

Loạn thị có nguy hiểm không?

Loạn thị có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ nặng của loạn thị. Với những trường hợp loạn thị mức độ nhẹ, người bệnh có thể không cần can thiệp điều trị. Trường hợp loạn thị ảnh hưởng đến thị lực có thể làm xuất hiện một số dấu hiệu như:

– Mỏi mắt.

– Đau đầu.

– Nhìn mờ.

Nguy hiểm nhất là tình trạng loạn thị một mắt không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhược thị. Biến chứng này nếu không được phát hiện sẽ dẫn tới mù lòa.

Chăm sóc mắt loạn thị thế nào?

Để kiểm soát tốt loạn thị cùng với việc thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên duy trì thói quen chăm sóc mắt hiệu quả để mắt luôn khỏe mạnh.

– Rèn luyện tư thế làm việc thích hợp: Luôn đảm bảo khoảng cách giữa mắt và các thiết bị điện tử ít nhất 20cm. Khoảng cách khi xem TV ít nhất là 3m.

– Nghỉ ngơi phù hợp: Khi làm việc với các thiết bị điện tử hoặc làm việc cần phải nhìn gần trong thời gian dài, cứ 20 phút làm việc thì nên để mắt nhìn xa 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 phút. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế thức khuya và đảm bảo giấc ngủ phù hợp mỗi ngày.

– Xây dựng chế độ ăn uống hiệu quả: Những người có những vấn đề về mắt nên bổ sung vào thực đơn các chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C hay lutein,…

– Đeo kính râm để tránh tia cực tím ảnh hưởng không tốt tới mắt.

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn câu trả lời cho câu hỏi “Loạn thị có tự khỏi không?”. Việc phát hiện sớm loạn thị cũng như tuân thủ các biện pháp chăm sóc mắt là vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh lý này.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về loạn thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. Astigmatism, Cleveland Clinic, truy cập ngày 22/07/2024

2. Astigmatism, Mayo Clinic, truy cập ngày 22/07/2024

3. Astigmatism, NIH, truy cập ngày 22/07/2024

4. Astigmatism, NHS, truy cập ngày 22/07/2024

5. What Is Astigmatism?, Healthline, truy cập ngày 22/07/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *