Những nguyên nhân đục thủy tinh thể ít ai ngờ đến

Xuất bản: UTC +7

Một trong những bệnh lý đáng báo động gây mù lòa cao nhất thế giới là đục thủy tinh thể. Tình trạng này là gánh nặng y tế ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân đục thủy tinh thể qua bài viết dưới đây nhé!

Đục thủy tinh thể là gì?

Cùng với giác mạc, thủy tinh thể là một cấu trúc giúp ánh sáng hội tụ đúng cách trong mắt. Sở dĩ thủy tinh thể có thể thực hiện được nhiệm vụ này do protein được sản sinh tạo ra một môi trường trong suốt giúp cho ánh sáng đi qua đúng cách. Vì một nguyên nhân nào đó mà môi trường trong suốt này bị ảnh hưởng sẽ dẫn tới thay đổi thị lực.

Đục thủy tinh thể thường xuất hiện ở cả hai mắt, nhưng không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng đều nhau đến thị lực. Sự khác biệt này có thể dẫn đến mức độ thị lực khác nhau giữa hai mắt.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Nguyên nhân đục thủy tinh thể ở trẻ em

Mẹ bị Rubella có thể làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh

Mặc dù, đục thủy tinh thể thường gặp ở người cao tuổi nhưng theo một số thống kê, cứ mỗi 10.000 trẻ mới sinh ra đời thì có 3-4 trẻ xuất hiện tình trạng đục thủy tinh thể. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng đục thủy tinh thể bẩm sinh như:

– Đột biến gen.

– Nhiễm trùng: Mẹ mắc sởi và Rubella trong khi mang thai.

– Bệnh lý trong quá trình mang thai: Những vấn đề liên quan đến trao đổi chất, tiểu đường thai kỳ, sự cố thai kỳ, viêm hoặc những phản ứng phụ của thuốc.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể ở người cao tuổi

Lão hóa thể thủy tinh có thể dẫn tới đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể là cấu trúc trong suốt được hình thành từ nước và protein. Khi chúng ta già đi, một số protein có thể bị biến tính và tạo thành các khối và làm mờ đi một vùng nhất định ở thủy tinh thể. Chính những khối này khiến cho ánh sáng vào mắt không được khúc xạ đúng cách và dẫn tới tình trạng tầm nhìn mờ.

Nguyên nhân khác gây đục thủy tinh thể

Chấn thương

Những vết thương được hình thành do chấn thương mắt như điện giật, bỏng hóa chất, bức xạ ion hóa hay các vật trực tiếp gây tổn thương mắt có thể làm tổn thương thủy tinh thể ngay lập tức hoặc sau một thời gian dài.

Chấn thương mắt có thể dẫn tới thủy tinh thể bị đục

Bệnh tiểu đường

Những người mắc đái tháo đường có nguy cơ tổn thương thủy tinh thể cao hơn những người khác. Thủy dịch cung cấp oxy và glucose cho thủy tinh thể. Do một người mắc bệnh tiểu đường sẽ có lượng đường trong máu cao dẫn tới nồng độ glucose trong thủy tinh thể cũng cao hơn bình thường. Điều này khiến cho tính thấm của thể thủy tinh thay đổi và dẫn tới xơ hóa cấu trúc này. 

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp kéo dài, đặc biệt là khi bệnh lý này không được kiểm soát có thể khiến cho các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị xuất huyết. Máu này có thể xuất hiện ở dịch kính khiến cho tầm nhìn của người bệnh xuất hiện một lớp sương mù ở trước mắt.

Ngoài bệnh lý kể trên, tăng huyết áp có thể dẫn tới nhiều biến chứng khác như thoái hóa điểm vàng hoặc tăng nhãn áp.

Hút thuốc

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể

Các chất độc hại từ khói thuốc làm tăng cường phản ứng oxy hóa trong tế bào – bao gồm cả tế bào trong thể thủy tinh của mắt. Chính điều này đẩy nhanh quá trình biến tính của protein trong thủy tinh thể khiến cho thời gian lão hóa ở mắt xuất hiện sớm hơn bình thường.

Uống nhiều rượu

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc uống quá nhiều rượu có thể làm tăng hoạt động của enzym cytochrome microsome trong gan. Khi enzym này tăng hoạt động sẽ dẫn tới tình trạng nhiều gốc tự do để tạo ra hơn. Điều này sẽ dẫn tới sự biến tính của các protein trong mắt làm xuất hiện một màn mỏng trong tầm nhìn.

Thuốc

Lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể

Một số loại thuốc nếu dùng trong thời gian dài hoặc sử dụng không đúng chỉ định cũng có thể gây nên tình trạng đục thủy tinh thể như:

– Corticoid: Đây là một thuốc kháng viêm mạnh được sử dụng nhiều trong đời sống. Các triệu chứng thường được cải thiện nhanh khi sử dụng loại thuốc này. Chính vì vậy, mọi người thường lạm dụng nhiều. Đối với mắt, corticoid không chỉ gây đục thủy tinh thể mà còn tăng nguy cơ tăng nhãn áp, tổn thương thị giác dẫn tới mù lòa.

– Thuốc chống loạn thần: Sử dụng những thuốc chống loạn thần để điều trị tình trạng hoang tưởng của trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt sẽ dẫn tới đục thủy tinh thể.

– Thuốc gây co đồng tử: Pilocarpin thường được sử dụng để điều trị bệnh tăng nhãn áp nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng mờ, đục thể thủy tinh.

Phân loại đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể được cấu tạo từ 3 thành phần chính là bao (bao trước và bao sau), vỏ và nhân. Dựa vào sự tổn thương của 3 thành phần này mà đục thủy tinh thể được chia thành một số loại sau:

– Đục nhân: Đây là vùng ở trung tâm thể thủy tinh. Nhân thủy tinh thể xuất hiện xơ cứng, thủy tinh thể chuyển dần từ trắng sang vàng rồi thành nâu và lan ra các vùng khác. Ban đầu, với bệnh lý loại này, người bệnh chỉ mất khả năng nhìn xa còn khi nhìn gần thì không bị ảnh hưởng. 

– Đục vỏ: Bệnh lý loại này xuất hiện thành đốm hoặc vệt trắng ở lớp vỏ. Các vệt này có thể phát triển từ từ và lan đến trung tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến khúc xạ ánh sáng.

– Đục dưới bao sau: Loại đục thủy tinh thể này thường bắt đầu bằng một đốm nhỏ ở bao sau thể thủy tinh – ngay trên đường đi của ánh sáng. Tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng đọc và làm giảm tầm nhìn của người bệnh dưới ánh sáng chói. Đục thủy tinh thể loại này có xu hướng phát triển nhanh hơn những loại khác.

Triệu chứng đục thủy tinh thể

Khi thủy tinh thể bị đục, ánh sáng không được khúc xạ đúng cách sẽ dẫn đến một số triệu chứng như:

– Tầm nhìn mờ.

– Quáng gà.

– Nhạy cảm với ánh sáng chói.

– Cần ánh sáng có cường độ cao để đọc sách.

– Thấy quầng sáng quanh đèn.

– Thị lực suy giảm nhanh.

Nhìn đôi.

– Trẻ em: Với trẻ em có thể xuất hiện tình trạng nhược thị, lác hoặc rung giật nhãn cầu.

Đục thủy tinh thể có chữa được không?

Đục thủy tinh thể hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được thay thế thủy tinh thể bị đục bằng một môi trường trong suốt có tính chất tương tự. Dựa vào những triệu chứng của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc thời điểm nào cần thực hiện phẫu thuật.

Nhìn chung, phẫu thuật đục thủy tinh thể thường an toàn với tỷ lệ thành công cao. Các biến chứng có thể gặp thường chỉ chiếm dưới 1% các ca phẫu thuật. Những tác dụng phụ có thể xuất hiện sau phẫu thuật như:

– Nhiễm trùng.

– Chảy máu.

– Bong võng mạc.

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn các nguyên nhân đục thủy tinh thể. Mặc dù đục thủy tinh thể do lão hóa không thể điều trị nhưng bạn hoàn toàn có thể dựa trên những yếu tố nguy cơ để xây dựng thói quen tốt làm chậm quá trình lão hóa thủy tinh thể cũng như phòng ngừa một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng này. 

Nếu cần tìm hiểu thông tin về đục thủy tinh thể hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. What Is a Cataract?, Healthline, truy cập ngày 12/06/2024

2. What Is a Cataract?, All About Vision, truy cập ngày 12/06/2024

3. Childhood cataracts, All About Vision, truy cập ngày 12/06/2024

4. Cataracts, Mayo Clinic, truy cập ngày 12/06/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *