Đau mắt đỏ là một tình trạng phổ biến ở trẻ em. Bệnh lý này không chỉ gây khó chịu cho trẻ mà còn là mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh. Cùng tìm hiểu đau mắt đỏ ở trẻ em và những lưu ý dành cho cha mẹ qua bài viết dưới đây nhé!
Đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc – màng lót bao phủ bên trong mí mắt và nhãn cầu. Cha mẹ có thể quan sát thấy mắt trẻ bị đỏ lòng trắng cùng với mí mắt sưng kèm theo đau hốc mắt. Bệnh dễ lây lan, đặc biệt là với những trẻ đã đi học, tiếp xúc tập thể nhiều.
Phân loại đau mắt đỏ ở trẻ em
Ở trẻ em, bệnh lý này được chia thành hai dạng đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh và đau kết mạc ở trẻ em. Ở mỗi nhóm này, nguyên nhân gây nên bệnh lý là rất khác nhau. Cụ thể là:
Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh như lây nhiễm từ mẹ qua quá trình chuyển dạ, vi khuẩn ở bên ngoài tiếp xúc với kết mạc gây bệnh hoặc do thuốc nhỏ mắt được nhỏ để dự phòng nhiễm trùng. Cụ thể là:
– Đau mắt đỏ do thuốc nhỏ mắt: Đây là một tình trạng hiếm gặp do kích ứng thuốc nhỏ mắt được dùng để giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Sau khi nhỏ mắt vài giờ, trẻ có thể xuất hiện tình trạng đỏ và viêm. Các triệu chứng này thường kéo dài từ 2-4 ngày và tự khỏi mà không cần điều trị.
– Đau mắt đỏ do lậu cầu: Nếu trong khi mang thai người mẹ mắc bệnh lậu do vi khuẩn N. gonorrhea gây ra thì mắt của trẻ rất có thể bị tấn công bởi vi khuẩn này. Khi bị nhiễm vi khuẩn này mắt của trẻ rất đỏ, sưng tấy và có dịch đặc rỉ ra từ mí mắt. Các dấu hiệu này thường bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau khi sinh và thường phải điều trị bằng kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
– Đau mắt đỏ do Chlamydia trachomatis: Đây là nhiễm khuẩn hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Trẻ có thể tiếp nhận vi khuẩn này qua quá trình chuyển dạ của mẹ. Một số dấu hiệu thường gặp trong giai đoạn này như mắt đỏ, mí mắt sưng tấy, dịch tiết chảy ra từ mí mắt. Các triệu chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 14 sau sinh. Trẻ sẽ được điều trị bằng cách sử dụng kháng sinh đường uống.
– Đau mắt đỏ do các vi khuẩn khác: Tuần thứ 2 sau sinh, các vi khuẩn từ bên ngoài có thể xâm nhập gây nên đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh. Tùy vào loại vi khuẩn mà người bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu khác nhau. Điều trị bệnh bao gồm nhỏ thuốc mỡ kháng sinh vào mắt, chườm ấm và vệ sinh mắt phù hợp.
Đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ ở trẻ em có diễn biến cũng như nguyên nhân gây bệnh tương tự như đau mắt đỏ ở người lớn. Các đợt bùng phát tình trạng đau mắt đỏ thường gặp nhiều ở trường học. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên viêm kết mạc là:
– Virus: Nguyên nhân nhiều nhất gây nên đau mắt đỏ nói chung là Adenovirus. Vì vậy, trẻ có thể xuất hiện tình trạng viêm đường hô hấp như ho, hắt hơi và sổ mũi kèm theo với đau mắt đỏ. Một virus hiếm gặp nhưng thường gây nên những dấu hiệu nguy hiểm là virus herpes.
– Vi khuẩn: Tụ cầu vàng, cúm, phế cầu là những vi khuẩn thường gặp gây nên tình trạng đau mắt đỏ.
– Dị ứng: Ngoài ra, khi mắt tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thì trẻ hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng đau mắt đỏ.
Dấu hiệu đau mắt đỏ ở trẻ
Mặc dù với mỗi trẻ khác nhau thì các triệu chứng thường biểu hiện khác nhau nhưng các dấu hiệu thường gặp ở trẻ là:
– Khó chịu, ngứa mắt.
– Lòng trắng có màu đỏ.
– Sưng mí mắt.
– Đau nhẹ khi trẻ nhìn thẳng vào ánh sáng mạnh.
– Mí mắt dính nhau vào buổi sáng.
– Xuất hiện chất lỏng chảy ra từ mắt.
– Hắt hơi và sổ mũi.
– Đau tai – thường gặp do tình trạng nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra.
– Mí mắt xuất hiện lớp vảy cứng – do nhiễm virus herpes.
Lưu ý, với tình trạng đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn, mắt bé bị đỏ 1 bên rồi nhanh chóng lan sang các bên còn lại. Với tình trạng mắt trẻ bị đau nhưng không đỏ, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Đau mắt đỏ ở trẻ bao lâu thì khỏi?
Hầu hết các tình trạng đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn thường mất 1-2 tuần để hết hoàn toàn các triệu chứng. Một số trường hợp đặc biệt thì tình trạng đau mắt đỏ có thể kéo dài trong 30 ngày.
Với tình trạng đau mắt đỏ do dị ứng thì chỉ cần loại bỏ hết nguyên nhân dị ứng thì các triệu chứng có thể từ từ hồi phục.
Cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em
Mặc dù, đau mắt đỏ thường tự khỏi mà không gây ra các biến chứng về thị lực nhưng cha mẹ cũng nên chú ý đến các triệu chứng của trẻ để tránh gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn. Sau khi đã xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ phù hợp với tình trạng người bệnh:
– Nguyên nhân do vi khuẩn: Điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh.
– Nguyên nhân do virus: Thường không cần điều trị. Trong một số trường hợp có yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng kháng sinh dự phòng. Đặc biệt với nguyên nhân gây nên đau mắt đỏ do virus herpes – bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus cho người bệnh.
– Nguyên nhân dị ứng: Dùng thuốc nhỏ mắt giúp cải thiện tình trạng dị ứng ở mắt.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài sau: Những cách trị đau mắt đỏ bạn cần biết
Cha mẹ có thể làm gì cho con?
Khi mắt phải tình trạng đau mắt đỏ trẻ thường cảm thấy khó chịu, cha mẹ có thể giúp trẻ chườm mát nếu trẻ bị dị ứng và chườm ấm nếu nguyên nhân gây nên đau mắt đỏ là do virus hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh mắt và rửa tay thường xuyên đúng cách để giúp trẻ thoải mái trong quá trình điều trị.
Một số việc làm mà cha mẹ cần làm trong khi chăm sóc trẻ mắc đau mắt đỏ là:
– Tránh cho trẻ chạm vào mắt.
– Thay vỏ gối thường xuyên.
– Không dùng chung khăn tắm với trẻ.
– Thay thế kính áp tròng của trẻ bằng kính thuốc phù hợp để tránh làm tổn thương mắt.
– Rửa tay sau khi tiếp xúc với trẻ để tránh nhiễm bệnh.
Khi xuất hiện những dấu hiệu sau, cha mẹ nên đưa trẻ cơ sở Nhãn khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời:
– Các triệu chứng không đỡ sau 2 ngày điều trị.
– Sau 10 -14 ngày điều trị, mắt trẻ vẫn còn đỏ.
– Trẻ mất thị lực.
– Trẻ sốt cao.
– Xuất hiện đốm trắng trong mắt.
– Các triệu chứng của trẻ nặng hơn theo thời gian.
Phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ
Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn là bệnh rất dễ lây lan. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ rửa tay thật kỹ bằng xà phòng cũng như hạn chế tiếp xúc với những bé đang bị đau mắt đỏ khi ở trường học.
Với đau mắt đỏ do dị ứng, cha mẹ nên đóng cửa sổ và cửa ra vào kết hợp với thường xuyên hút bụi để tránh các tác nhân gây dị ứng.
Đối với tình trạng đau mắt đỏ sơ sinh, phụ nữ mang thai cần được sàng lọc và điều trị các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục để tránh lây bệnh cho trẻ sau chuyển dạ.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn kiến thức về tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ em. Trong quá trình chăm sóc, cha mẹ nên để ý các dấu hiệu để phát hiện sớm bệnh lý này để có những phương án chăm sóc phù hợp nhất với trẻ.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về đau mắt đỏ hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Conjunctivitis in Children, Stanford Medicine Children’s Health, truy cập ngày 21/05/2024
2. Pink Eye in Kids: 3 Types of Conjunctivitis Parents Should Look Out For, Roslindale Pediatrics, truy cập ngày 21/05/2024
3. Pinkeye (Conjunctivitis) In Kids, Kids Health, truy cập ngày 21/05/2024
4. Conjunctivitis, Pregnancy Birth Baby, truy cập ngày 21/05/2024
5. How long is pink eye contagious?, Medical News Today, truy cập ngày 21/05/2024