Bệnh glocom là bệnh lý có thể gây nên tình trạng mù lòa nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu triệu chứng glocom và những vấn đề liên quan để giảm nguy cơ tổn thương thần kinh thị giác qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh glocom là gì?
Bệnh glocom là bệnh lý liên quan đến tổn thương thần kinh thị giác, do áp lực trong mắt tăng rất cao. Tình trạng này thường diễn biến từ từ nhưng nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn tới mù lòa vĩnh viễn.
Dựa vào vị trí tắc nghẽn cũng như nguyên nhân gây bệnh mà người ta chia tăng nhãn áp thành một số loại như sau:
– Tăng nhãn áp góc mở: Cấu trúc xốp của hệ thống thủy dịch hoạt động không hiệu quả khiến cho dịch ít thoát ra ngoài.
– Tăng nhãn áp góc đóng: Bệnh lý này diễn biến cấp tính do góc thoát nước bị chặn hoàn toàn.
– Tăng nhãn áp thứ phát: Là tình trạng nhãn áp tăng sau khi mắc những bệnh lý về mắt như viêm màng bồ đào, chấn thương mắt,…
– Tăng nhãn áp ở trẻ em: Đây là tình trạng xuất hiện ở trẻ nhỏ thường do các bất thường của mắt.
Triệu chứng glocom
Tăng nhãn áp góc đóng và góc mở có đặc điểm khởi phát cũng như các triệu chứng khác nhau. Các dấu hiệu của tăng nhãn áp góc đóng thường diễn biến nhanh, đột ngột nên cần cấp cứu ngay.
Glocom góc mở
Bệnh lý glocom góc mở diễn biến từ từ nên trong giai đoạn đầu các triệu chứng thường khó phát hiện. Một số triệu chứng thường gặp trong giai đoạn này có thể kể đến như:
Suy giảm tầm nhìn
Đây là triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên mọi người thường chỉ nghĩ đến nguyên nhân gây suy giảm tầm nhìn là do tăng độ cận của mắt, chứ không nghĩ đây là dấu hiệu của bệnh lý tăng nhãn áp.
Vì vậy, người bệnh có xu hướng đi đo lại kính mắt, thay vì thực hiện khám chuyên sâu các bệnh lý của mắt. Glocom góc mở thường gây suy giảm tầm nhìn ngoại vi.
Ở giai đoạn đầu, thị lực thường suy giảm nhẹ, người bệnh có thể cần nhiều ánh sáng hơn để nhìn rõ một vật.
Lưu ý, tầm nhìn ngoại vi sẽ càng ngày càng giảm. Trong giai đoạn đầu, não sẽ có xu hướng bỏ qua những vùng mờ. Vì vậy, chỉ khi thị lực giảm một cách rõ rệt, người bệnh mới có thể nhận biết được những thay đổi.
Đây là lý do tại sao mọi người nên tầm soát sức khỏe của mắt thường xuyên để phát hiện sớm những tổn thương thị giác.
Không phân biệt rõ màu sắc
Vào giai đoạn sau, khi thần kinh thị giác đã bị tổn thương nhiều, người bệnh có thể gặp các vấn đề liên quan đến độ sắc nét cũng như màu sắc của sự vật. Người mắc glocom góc mở khi nhìn sự vật sẽ tương tự như nhìn qua một cặp kính bẩn.
Đau nhức quanh hốc mắt
Khi áp lực trong mắt tăng, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng đau nhức quanh hốc mắt, đặc biệt là trong trường hợp người bệnh uống nhanh một lượng nước khiến cho áp lực nội nhãn gia tăng.
Glocom góc đóng
Bệnh glocom góc đóng thường diễn biến đột ngột nên khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần phải được cấp cứu ngay:
– Đau hốc mắt dữ dội.
– Buồn nôn.
– Nôn.
– Đau đầu.
– Mắt đỏ.
– Nhìn thấy vòng tròn xung quanh đèn.
– Tầm nhìn mờ đột ngột.
Glocom ở trẻ em
Với trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể nhận biết những triệu chứng sau của trẻ em mắc glocom bẩm sinh như:
– Mắt mờ và đục.
– Chớp mắt nhiều hơn bình thường.
– Xuất hiện nước mắt nhưng không phải do khóc.
– Đau đầu.
– Tầm nhìn suy giảm nhanh chóng.
Làm sao để nhận biết bệnh glocom?
Bệnh glocom được chẩn đoán thông qua xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu như:
– Đo nhãn áp: Đo áp lực của mắt sẽ giúp đánh giá sơ lược về áp lực của mắt có cao hay không.
– Khám mắt chuyên sâu: Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giãn đồng tử để giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các cấu trúc phía sâu trong mắt.
– Đo thị lực và thị trường: Đánh giá mức độ suy giảm tầm nhìn của người bệnh để có những biện pháp khắc phục kịp thời.
– Soi góc tiền phòng: Xác định nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh glocom có thể điều trị khỏi không?
Tổn thương thị giác không thể hồi phục. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh lý này vô cùng quan trọng giúp ngăn cản tiến triển của bệnh. Phương pháp điều trị của bệnh hướng tới việc giảm áp suất bên trong mắt.
Mặc dù tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích giảm áp suất bên trong mắt nhưng với mỗi trường hợp, các bác sĩ sẽ có những phương pháp phù hợp để điều trị bệnh.
Phòng ngừa bệnh glocom
Mặc dù không thể phòng ngừa hầu hết những nguyên nhân dẫn tới bệnh glocom nhưng người bệnh có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm thiểu biến chứng của bệnh lý này:
– Khám mắt thường xuyên: Khám mắt định kỳ theo hướng dẫn có thể giúp phát hiện sớm tình trạng tăng nhãn áp ở giai đoạn đầu. Đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về mắt hay đang mắc những bệnh lý như tiểu đường và tăng huyết áp thì càng cần chú ý đến vấn đề này.
– Đeo kính mắt: Khi thực hiện những hoạt động có thể gây nên chấn thương mắt, bạn nên đeo kính để bảo vệ mắt.
– Thuốc nhỏ mắt theo đơn: Người có nguy cơ mắc tăng nhãn áp có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành bệnh lý này.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các triệu chứng glocom. Đây là bệnh lý cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên bạn hãy duy trì thói quen khám mắt để có thể nhận biết được bệnh lý này ở giai đoạn không có triệu chứng nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về bệnh glocom hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Glaucoma, NHS, truy cập ngày 29/07/2024
2. Glaucoma: Types, causes, symptoms and treatment, All About Vision, truy cập ngày 29/07/2024
3. Glaucoma, Mayo Clinic, truy cập ngày 29/07/2024