Mặc dù, nhược thị thường gặp ở trẻ em nhưng nhược thị ở người lớn cũng là vấn đề cần được mọi người quan tâm. Vậy nhược thị ở người lớn có chữa được không? Cùng tìm hiểu những vấn đề xoay quanh điều trị tình trạng nhược thị với người trưởng thành qua bài viết dưới đây nhé!
Nhược thị là gì?
Nhược thị là một rối loạn hệ thống thần kinh thị giác khiến cho não bộ ưu tiên sử dụng hình ảnh một mắt hơn mắt còn lại. Điều này khiến cho thị lực của mắt không được sử dụng ngày càng yếu đi. Nhược thị thường có xu hướng phát triển từ trẻ sơ sinh đến năm trẻ 7 tuổi.
Nhược thị ở người lớn có phổ biến không?
Nhược thị thường gặp ở trẻ hơn là người lớn. Theo thống kê, tỷ lệ mắc nhược thị thường dao động từ 1-2% ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, ở trẻ em nhược thị lại là nguyên nhân phổ biến gây giảm thị lực ở một mắt. Tình trạng này ảnh hưởng từ 2-4% trẻ em.
Dấu hiệu của nhược thị
Mặc dù, nhược thị là tình trạng khó nhận biết do sự suy giảm thị lực của một mắt được bù đắp bởi mắt còn lại nhưng mọi người có thể theo dõi một số triệu chứng sau để nhận biết sớm bệnh lý này:
– Một hoặc hai mắt nhìn vào trong hoặc ra ngoài.
– Hai mắt không nhìn về cùng một hướng.
– Khó khăn trong việc nhận biết những hình ảnh có tính chất lập thể.
– Phải nheo hoặc nhắm một mắt mới có thể nhìn rõ.
– Thường xuyên phải nghiêng đầu để nhìn.
– Thường xuyên mỏi mắt, đau đầu.
Nhược thị có nguy hiểm không?
Biến chứng hỉnh của nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực vĩnh viễn. Một số chức năng của thị giác có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này:
– Thị lực suy giảm.
– Hình ảnh thu được méo mó.
– Gặp khó khăn trong việc phân biệt được sự tương phản màu sắc giữa các hình ảnh.
Mặc dù nhược thị thường ảnh hưởng tới mắt suy yếu nhưng trong một số ghi nhận, tình trạng này có thể làm suy giảm thị lực mắt khỏe mạnh.
Nhược thị ở người lớn có chữa được không?
Trong nhiều thập kỷ người ta nhận định rằng nhược thị chỉ có thể điều trị cho những trẻ từ 7 đến 9 tuổi. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây của NIH/NEI đã chỉ ra rằng, không có giới hạn trong việc cải thiện tầm nhìn ở người bệnh nhược thị. Với nghiên cứu 507 trẻ em nhược thị trong độ tuổi từ 7-17, bác sĩ ghi nhận sự cải thiện thị lực xuất hiện ở cả trẻ 17 tuổi. Cụ thể là:
– 53% trẻ em từ 7-12 tuổi cải thiện thị lực sau điều trị.
– 47% trẻ em từ 13-17 tuổi cải thiện thị lực sau điều trị.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự khẳng định này là do hệ thống dẫn truyền thần kinh thị giác bao gồm mắt, não và dây thần kinh đều có thể được đào tạo ở bất kỳ độ tuổi nào do tính linh hoạt của não.
Lưu ý, nếu thị lực của hai mắt đều khỏe mạnh, đưa ra hai hình ảnh giống nhau thì não bộ có thể dễ dàng kết hợp hai hình ảnh này với nhau. Khi thị lực hai mắt kém, hai hình ảnh không thể kết hợp thành một ảnh duy nhất nên hình ảnh mờ hơn sẽ bị bỏ qua. Tuy nhiên, với tính linh hoạt của não thì chúng ta vẫn có niềm tin thay đổi đường liên kết này trong quá trình điều trị.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Những điều cha mẹ cần biết về nhược thị ở trẻ em
Khám mắt có quan trọng không?
Khám mắt thường xuyên là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng trong điều trị nhược thị. Vì thời gian phát hiện càng sớm thì xác suất điều trị thành công càng cao. Trong nhiều trường hợp, nhược thị có thể được phát hiện khi khám mắt toàn diện. Ngoài ra, nếu gia đình người mắc nhược thị thì những người trong gia đình nên khám mắt thường xuyên để kịp thời phát hiện những bất thường thị lực.
Cách khắc phục nhược thị ở người lớn
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà các cách khắc phục nhược thị ở người lớn cũng khác nhau. Lưu ý, bác sĩ có thể yêu cầu mọi người thực hiện một hoặc nhiều phương pháp điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất. Cụ thể là:
– Nhược thị do bệnh lý: Bác sĩ tiến hành can thiệp những nguyên nhân khiến cho thị lực suy yếu bằng phẫu thuật như thay thể thủy tinh, điều trị tình trạng bong võng mạc, phẫu thuật giác mạc hoặc điều trị những bệnh lý về mắt khác.
– Nhược thị do tật khúc xạ: Nhược thị này thường đáp ứng tốt với điều trị. Bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh sử dụng kính mắt đúng độ hoặc phẫu thuật giác mạc để mang lại tầm nhìn rõ nét ở cả hai mắt.
– Nhược thị do lác: Bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện các biện pháp để căn chỉnh lại mắt. Tuy nhiên, việc chỉ sửa những vấn đề này cũng hiếm khi điều trị hoàn toàn tình trạng nhược thị.
Sau khi đã khắc phục những vấn đề của mắt, bác sĩ sẽ cân nhắc lập lại đường truyền thần kinh giữa não bộ và mắt nhược thị. Phương pháp thường được sử dụng nhất là sử dụng miếng dán che mắt khỏe trong hai giờ, 6 giờ hoặc thậm chí cả ngày trong một số trường hợp. Người bệnh sẽ được khuyến khích thực hiện các hoạt động để kích thích thị giác như đọc sách, xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử.
Trong trường hợp người bệnh không chắc chắn sẽ thực hiện được những hành động này một cách tự giác, bác sĩ sẽ cân nhắc cho người bệnh sử dụng thuốc giãn đồng tử – atropin để giảm hoạt động của mắt khỏe.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả thông tin về nhược thị ở người lớn. Mặc dù, điều trị nhược thị khi ở tuổi trưởng thành thường khó khăn hơn trẻ em nhưng nếu phát hiện ra vấn đề này, mọi người hãy tìm đến các cơ sở Nhãn khoa để được tư vấn nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về nhược thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. What is Vision Therapy?, The Vision Therapy Center, truy cập ngày 25/05/2024
2. Amblyopia, NCBI, truy cập ngày 25/05/2024
3. 2021 Update: Lazy Eye and Adults, Optometrists, truy cập ngày 25/05/2024
4. Can Adults Be Treated for Lazy Eye?, The Vision Therapy Center, truy cập ngày 25/05/2024