Viêm bờ mi là bệnh lý hay gặp trong đời sống hiện đại. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Cùng tìm hiểu những thuốc điều trị viêm bờ mi mắt thường dùng và những lưu ý sử dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm bờ mi là gì?
Viêm bờ mi là bệnh lý viêm mí mắt được đặc trưng bởi tình trạng mí mắt sưng đỏ, đóng vảy ở lông mi gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Viêm bờ mi thường là bệnh lý mạn tính, có xu hướng tái phát.
Mặc dù, viêm bờ mi thường không gây ảnh hưởng đến thị lực nhưng nó có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Điều gì dẫn tới viêm bờ mi
Viêm bờ mi mắt là một trong những bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến mắt. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng viêm bờ mi như:
– Nhiễm trùng do vi khuẩn.
– Rối loạn chức năng tuyến tạo chất nhầy dọc mi mắt Meibomius.
– Khô mắt.
– Ký sinh trùng như ve hoặc chấy lông mi.
– Viêm da tiết bã.
– Dị ứng.
– Bệnh đỏ da rosacea.
Thuốc điều trị viêm bờ mi mắt
Thuốc kháng sinh
Do có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm bờ mi nên việc sử dụng kháng sinh cũng phụ thuộc nhiều vào vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh tại chỗ thường được sử dụng để điều trị viêm bờ mi trên nhằm giảm các triệu chứng cũng như tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh đường uống thường được sử dụng với viêm bờ mi dưới do rối loạn chức năng của tuyến Meibomius.
Theo một số nghiên cứu, kháng sinh bôi tại chỗ thường được dùng tối đa 8 tuần. Do nhiều loại kháng sinh không thể thay thế cho nhau nên bác sĩ sẽ thực sự cân nhắc việc lựa chọn kháng sinh phù hợp.
Kháng sinh đường uống
Hai nhóm kháng sinh đường uống được sử dụng nhiều trong phác đồ điều trị viêm bờ mi là tetracycline và macrolid.
– Tetracycline: Bao gồm các loại kháng sinh như tetracycline, doxycycline và minocycline. Đây là kháng sinh phổ rộng được dùng để điều trị rosacea. Một số tác dụng phụ thường gặp do sử dụng kháng sinh này như rối loạn tiêu hóa, nhạy cảm với ánh sáng.
– Macrolid: Bao gồm các loại kháng sinh như erythromycin và azithromycin. Thuốc này được sử dụng để điều trị đa số tình trạng do vi khuẩn gây nên bao gồm cả tình trạng nhiễm trùng da.
Kháng sinh dùng tại chỗ
Kháng sinh tại chỗ là những thuốc được sản xuất dưới dạng thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt và phải cần bác sĩ chỉ định để tránh xuất hiện những biến chứng nguy hiểm. Một số thuốc nhỏ mắt thường được các bác sĩ cân nhắc điều trị cho bệnh nhân có thể kể đến như:
– Bacitracin: Đây là kháng sinh chỉ được sử dụng để điều trị các bệnh lý về mắt.
– Erythromycin: Kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
– Kết hợp giữa neomycin, polymyxin và bacitracin: Sản phẩm kết hợp 3 loại kháng sinh này được sử dụng để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn mắt và mí mắt.
Mặc dù thuốc kháng sinh dùng tại chỗ sẽ phát huy tác dụng nhanh và hiệu quả nhưng nếu xuất hiện những dấu hiệu như ngứa, rát, đỏ mắt, đau mắt hay sưng tấy thì người bệnh cần ngưng dùng thuốc và gọi ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn hiệu quả.
Thuốc chống viêm
Do corticosteroid ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể nên thuốc này có thể giảm sự hình thành của các chất được sinh ra trong quá trình viêm. Đối với viêm bờ mi nặng, bác sĩ có thể kê thuốc bôi tại chỗ chứa corticosteroid để giảm tình trạng sưng hoặc viêm.
Mặc dù đem lại hiệu quả cao nhưng nếu lạm dụng thuốc này kéo dài sẽ gây ra một số tác dụng phụ như:
– Cảm giác ngứa hay châm chích ở mắt.
– Rối loạn tầm nhìn.
– Suy giảm thị lực.
– Loét giác mạc.
– Đau mắt dữ dội.
– Đục thủy tinh thể.
Thuốc điều hòa miễn dịch
Đối với những trường hợp viêm bờ mi mạn tính nặng, bác sĩ nhãn khoa có thể kê toa thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ như cyclosporin hoặc tacrolimus. Cả hai thuốc này đều ngăn chặn đáng kể phản ứng của hệ thống miễn dịch bằng cách can thiệp vào việc kích hoạt các tế bào bạch cầu – tế bào nằm trong hàng rào đầu tiên của cơ thể trong việc chống lại tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, thuốc này còn sử dụng với những người bị dị ứng corticoid.
Phòng ngừa viêm bờ mi
Viêm bờ mi là bệnh lý thường xuyên tái phát nếu không được điều trị thích hợp và phòng ngừa đúng cách. Mặc dù không ngăn ngừa được tất cả nguyên nhân gây bệnh nhưng việc duy trì thói quen chăm sóc mắt mỗi ngày sẽ giúp giảm sự tích tụ của vi sinh vật và sự xuất hiện của gỉ mắt.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh lý này:
– Giữ tay và mặt luôn sạch sẽ.
– Không dụi mắt khi ngứa hay mắt dính bụi.
– Chăm sóc mắt hàng ngày với dung dịch chăm sóc mắt chuyên dụng giúp loại bỏ bụi bẩn, giảm tình trạng dịu mắt cũng như giảm tình trạng khô mắt hiệu quả.
– Tẩy trang trước khi đi ngủ, đặc biệt là đảm bảo không có cặn trang điểm ở mắt.
– Vệ sinh kính áp tròng thường xuyên, đặc biệt cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng sản phẩm này.
– Sử dụng các sản phẩm giúp giảm tình trạng khô mắt.
– Thay thế đồ trang điểm sau khi bị bệnh để tránh tái nhiễm.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn một số thuốc điều trị viêm bờ mi mắt và những lưu ý khi điều trị. Mặc dù đây là bệnh dễ tái phát nhưng bạn chỉ cần thực hiện các biện pháp chăm sóc mắt hàng ngày để giảm các yếu tố nguy cơ xuống thấp nhất có thể nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về viêm bờ mi hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Blepharitis, Cleveland Clinic, truy cập ngày 05/06/2024
2. Do Antibiotics Work for Blepharitis?, Healthline, truy cập ngày 05/06/2024
3. What is blepharitis?, All About Vision, truy cập ngày 05/06/2024