Cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp. Nhiều người đặt ra câu hỏi “Bị cận không đeo kính có sao không?”. Cùng tìm câu trả lời và những lưu ý liên quan qua bài viết dưới đây nhé!
Tác dụng của kính mắt đối với cận thị
Từ đầu những năm 1300, con người đã biết sử dụng kính để nâng cao thị lực. Trong xã hội hiện đại, kính phân kì giúp cải thiện tầm nhìn của những người cận thị. Theo thống kê chỉ có khoảng 35% người trưởng thành có thị lực 20/20 nhưng tỷ lệ này tăng lên 75% nếu được đeo những thấu kính thích hợp.
Bị cận không đeo kính có sao không?
Có nhiều lý do khiến cho người cận thị không đeo kính như vướng víu, cảm thấy không được thẩm mỹ hoặc cảm thấy khó chịu khi mới đeo kính. Khi mới bắt đầu hoặc khi thay đổi số kính mới, người bệnh có thể mất vài ngày để cảm thấy thoải mái với kính mới. Điều này khiến cho người bệnh cảm thấy không thoải mái và quyết định bỏ kính.
Ngoài ra, một số quan điểm sai lầm cho rằng khi đeo kính cận có thể làm cho độ cận tăng lên cũng khiến người bệnh e dè khi đeo kính. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Việc không đeo kính sẽ khiến mắt phải hoạt động nhiều hơn, gây ra tình trạng mỏi và mệt các cơ vùng mắt. Trong một số trường hợp, não bộ có thể ưu tiên sử dụng một mắt nhiều hơn gây nên tình trạng nhược thị.
Không đeo kính có thể làm tiến triển tình trạng cận thị dẫn tới cận thị nặng gây tăng nguy cơ xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng về thị lực như:
– Mù lòa.
– Đục thủy tinh thể.
– Tăng nhãn áp.
– Thoái hóa điểm vàng.
– Bong võng mạc.
– Lác mắt.
Tuy nhiên không phải lúc nào người bị bệnh cận thị cũng cần đeo kính mọi lúc mọi nơi. Tùy thuộc vào độ cận mà bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh dùng kính phù hợp.
– Với những người cận nhẹ từ -0,25 diop đến -0,5 diop: Có thể không đeo kính vì các công việc hàng ngày không bị ảnh hưởng quá nhiều.
– Với độ cận từ – 0,75 diop đến -1 diop: Người bệnh nên đeo kính những khi cần nhìn xa.
– Với độ cận từ – 1,5 diop trở lên: Người bệnh nên đeo kính thường xuyên để tránh mắt điều tiết quá mức.
Không cận mà đeo kính có độ có sao không?
Không cận mà đeo kính có độ hay người cận thị bị đo kính sai độ có thể gây nên những tác hại cho mắt trong thời thời gian dài. Người đeo kính sai độ có thể xuất hiện các triệu chứng như:
– Mờ mắt.
– Mỏi mắt.
– Mệt mỏi.
– Nhức đầu.
– Đau nửa đầu.
Việc đeo kính không đúng độ có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, những người không cận có thể lựa chọn cho mình những kính không độ để đeo thay vì lựa chọn những kính có tính phân kì. Ngoài ra, những người cận thị nên khám mắt thường xuyên để đảm bảo đeo kính đúng độ nhằm tránh những nhầm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra.
Một số tiêu chí lựa chọn kính mắt hiệu quả
Ngoài tác dụng điều chỉnh tật khúc xạ, người mắc cận thị có thể cân nhắc một số tiêu chí kết hợp để lựa chọn kính phù hợp. Cụ thể là:
– Chống tia cực tím và lọc ánh sáng xanh: Hàng ngày mắt chúng ta phải tiếp xúc với các tia cực tím cũng như ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử gây tác hại xấu đến mắt. Vì vậy, việc sử dụng kính để loại bỏ một phần tác hại xấu cũng những tác nhân này cũng nên được chú ý.
– Chống phản quang: Lớp kính chống phản quang sẽ làm giảm độ chói giúp cho người bệnh dễ dàng tiếp cận với ánh sáng hơn qua đó ngăn ngừa tình trạng mỏi mắt.
– Chỉ số chiết quang: Nếu độ cận quá cao nhưng vẫn muốn một cặp kính mỏng, nhẹ thì người bệnh nên cân nhắc sử dụng những thấu kính có chỉ số chiết quang cao.
⇒ Bạn có thể tham khảo bài viết: Phẫu thuật mắt cận bằng laser và những điều bạn nên biết
Chăm sóc mắt cận đúng cách để không bị tăng độ
Để mắt không bị tăng độ, ngoài việc đeo kính đúng độ, người bệnh có thể thực hiện những biện pháp sau để cận thị không tiến triển theo thời gian:
– Giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị kỹ thuật số.
– Tăng thời gian ra ngoài.
– Đảm bảo đủ ánh sáng trong môi trường làm việc.
– Đeo kính bảo vệ mắt khi tham gia các hoạt động thể thao.
– Làm sạch và dưỡng ẩm mắt hàng ngày giúp loại bỏ áp lực cho mắt và hạn chế tình trạng khô mắt, mỏi mắt.
– Bỏ thuốc lá.
– Khám mắt định kỳ.
– Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc.
Khi nào cận thị cần đi khám?
Với những người xuất hiện các triệu chứng như khó nhìn xa, hay phải nheo mắt khi nhìn, thường xuyên mỏi mắt hay có bất kỳ thay đổi về thị lực nào, người bệnh nên đến gặp bác sĩ Nhãn khoa để được tư vấn hiệu quả.
Trong trường hợp xuất hiện những thay đổi đột ngột về thị lực như mất thị lực đột ngột, xuất hiện những đốm đen trên tầm nhìn, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra ngay.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn câu trả lời cho câu hỏi “Bị cận không đeo kính có sao không?”. Cận thị là tình trạng cần phải điều trị để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Nếu nghi ngờ mình có dấu hiệu của cận thị, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về cận thị hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Eyeglasses: How to Choose Glasses for Vision Correction, American Academy of Ophthalmology, truy cập ngày 08/05/2024
2. Is it bad to not wear my glasses all of the time for my nearsightedness?, American Academy of Ophthalmology, truy cập ngày 08/05/2024
3. Does Your Eyesight Get Worse Without Glasses?, Eye Care Plus, truy cập ngày 08/05/2024
4. Myopia (Nearsightedness), Cleveland Clinic, truy cập ngày 08/05/2024