Đục thủy tinh thể người già là một trong những bệnh lý đáng báo động và cần được quan tâm đúng cách. Cùng tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đục thủy tinh thể ở người già qua bài viết dưới đây nhé!
Đục thủy tinh thể người già là gì?
Đục thủy tinh thể là tình trạng đục một phần hoặc toàn bộ thủy tinh thể. Bệnh thường tiến triển trong thời gian dài và không thể hồi phục dẫn tới tình trạng mất thị lực.
Hiện nay, người ta ước tính có 95 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh đục thủy tinh thể. Vào năm 2020, đục thủy tinh thể là bệnh lý gây nên tình trạng mù lòa ở bệnh nhân trên 50 tuổi cao nhất thế giới. Bệnh lý này có tỷ lệ mù lòa cao hơn cả bệnh tăng nhãn áp, các tật khúc xạ chưa được điểm chỉnh hay thoái hóa điểm vàng và võng mạc do đái tháo đường gây nên.
Theo một số thống kê, đục thủy tinh thể chiếm 50% tỷ lệ mù lòa ở các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Tỷ lệ này ở các nước phát triển cũng chiếm 45%. Tổ chức Y tế thế giới nhận định rằng, với tình trạng già hóa dân số ngày càng tăng, tình trạng suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể sẽ tăng cao.
Dấu hiệu đục thủy tinh thể
Một người đục thủy tinh thể do lão hóa thường có tiền sử suy giảm thị lực tiến triển dần dần. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này có thể kể đến như:
– Suy giảm thị lực, khó khăn trong việc nhìn thấy các sự vật xung quanh. Đây là triệu chứng mà người bệnh thường xuyên phàn nàn nhất.
– Phản ứng bất thường với cường độ ánh sáng. Một mặt, người bệnh giảm độ nhạy cảm với ánh sáng yếu. Một mặt, người bệnh lại nhạy cảm hơn với những ánh sáng có độ chói cao. Điều này giải thích vì sao người đục thủy tinh thể khó khăn khi nhìn ban đêm.
– Do sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể thường làm tăng chiều dài từ trước ra sau của mắt nên sẽ dẫn tới độ cận thị tăng.
– Song thị 1 mắt xuất hiện do tình trạng đục thủy tinh thể trung tâm dẫn đến các vùng khúc xạ ở thủy tinh thể không đồng nhất nên sẽ thu được hai hình ảnh của 1 vật.
– Xuất hiện một lớp sương mờ xung quanh tầm nhìn. Tình trạng này sẽ tăng lên đến khi xuất hiện mờ rõ nét hơn.
– Khả năng nhận cảm màu sắc giảm. Người bệnh có thể thấy màu sắc xám hơn thực tế và không thể cảm nhận được sự tương phản rõ ràng giữa các màu sắc.
– Quầng sáng xuất hiện do ánh sáng đi vào trong mắt không được khúc xạ đúng cách có thể dẫn tới hiện tượng nhiễu xạ.
⇒ Mời bạn tham khảo bài viết: 8 dấu hiệu đục thủy tinh thể mà bạn cần lưu ý
Đục thủy tinh thể người già có nguy hiểm không?
Đục thủy tinh thể đặc biệt là đục thủy tinh thể người già là một trong những gánh nặng của xã hội. Đục thủy tinh thể nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới mù lòa, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt.
Đục thủy tinh thể và chấn thương
Đục thủy tinh thể là một trong những phần bắt buộc phải xảy ra của quá trình lão hóa. Các rối loạn thị giác dưới đây có liên quan đến nguy cơ chấn thương như:
– Giảm thị lực.
– Giảm độ tương phản giữa các màu sắc.
– Giảm nhận thức về không gian.
– Tình trạng chói có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát.
Thị giác không chỉ làm tăng nguy cơ vấp ngã mà còn khiến cho khả năng giữ thăng bằng của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Hầu hết các tài liệu cho thấy, phẫu thuật đục thủy tinh thể giảm ⅓ nguy cơ ngã ở người già.
Đục thủy tinh thể và trầm cảm
Khi xuất hiện tình trạng suy giảm thị lực, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện những công việc hàng ngày từ đi lại, đọc báo cho đến thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Mặc dù trầm cảm ở người già thường liên quan đến nhiều yếu tố như bệnh mạn tính, tâm lý xã hội thay đổi, suy giảm chức năng các cơ quan nhưng việc suy giảm thị lực cũng gây nên tâm lý tự ti và mặc cảm của người bệnh.
Mổ đục thủy tinh thể người già
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là cách làm duy nhất và cũng hay được các bác sĩ đề xuất thực hiện. Sở dĩ có điều này là do đây là phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện, an toàn và mang lại hiệu quả rất tốt với người bệnh.
Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số trường hợp, bệnh lý này có thể chưa làm giảm thị lực đến mức cần phẫu thuật nhưng tình trạng này lại làm ảnh hưởng đến việc đánh giá một số bệnh lý khác ở mắt như thoái hóa điểm vàng hay bệnh võng mạc do đái tháo đường. Vì những nguyên nhân này mà khi xuất hiện những dấu hiệu của đục thủy tinh thể, người bệnh cần phải được thực hiện đánh giá toàn diện sức khỏe mắt và các bệnh lý đi kèm.
Trong trường hợp người bệnh bị đục thủy tinh thể hai mắt, bác sĩ sẽ chọn hai thời điểm phẫu thuật khác nhau giữa các mắt. Khoảng thời gian thực hiện hai phẫu thuật này thường giao động từ 2-4 tuần.
Lưu ý, sau phẫu thuật, người bệnh không thể lấy lại thị lực ngay lập tức. Mắt cần có thời gian thích nghi với thấu kính mới được đặt vào mắt. Ngoài ra, sau phẫu thuật, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác khô, nhức và mỏi mắt.
⇒ Mời bạn tham khảo bài viết: Tìm hiểu cách điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin liên quan đến đục thủy tinh thể người già. Đây là một trong những bệnh lý gây nên gánh nặng xã hội lớn trong độ tuổi này. Vì vậy, mọi người đặc biệt là người già nên thực hiện tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm bệnh lý này nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về đục thủy tinh thể hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Beyond vision:Cataract and health status in old age, a narrative review, NCBI, truy cập ngày 14/06/2024
2. Senile Cataract (Age-Related Cataract), Med Scape, truy cập ngày 14/06/2024
3. Thông tin này dành cho các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, Bộ Y tế, truy cập ngày 14/06/2024