Rối loạn điều tiết mắt: Nguyên nhân và cách khắc phục

Xuất bản: UTC +7

Rối loạn điều tiết mắt là một trong những tình trạng có xu hướng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là với những người tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách chăm sóc hiệu quả tình trạng rối loạn này qua bài viết dưới đây nhé!

Rối loạn điều tiết mắt là gì?

Bình thường để mắt có thể chuyển từ nhìn gần sang nhìn xa hoặc ngược lại nhờ vào sự điều tiết liên tục và trơn tru của mắt. Khả năng điều tiết của mắt được biết tới là sức tập trung của mắt. Sự điều tiết được thực hiện nhờ vào thủy tinh thể và cơ thể mi bên trong mắt. Khi thủy tinh thể dày hơn sẽ giúp nhìn được các vật thể ở gần. Khi nhìn xa, thủy tinh thể sẽ trở nên mỏng hơn nhờ vào cơ thể mi. 

Rối loạn điều tiết mắt xảy ra khi thay đổi tầm nhìn gần xa đột ngột

Như một cỗ máy vận hành trong thời gian dài, khi mắt làm việc trong thời gian quá lâu có thể khiến cho các cơ trở nên mỏi. Điều này khiến cho những những hình mà mắt thu được sẽ bị mờ. Các bác sĩ gọi tình trạng này là rối loạn điều tiết mắt. 

Có nhiều loại rối loạn điều tiết khác nhau có thể xảy ra với mắt. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Phân loại rối loạn điều tiết

Có 4 loại rối loạn điều tiết mắt thường gặp như:

– Giảm khả năng điều tiết: Khả năng điều tiết giảm do cơ thể mi không còn hoạt động như bình thường. Vì vậy, những người suy giảm khả năng điều tiết gặp khó khăn trong việc nhìn gần. Đây là loại rối loạn thường gặp nhất. Triệu chứng phổ biến của tình trạng này là nhìn mờ khi đọc sách hay nhìn các vật ở gần.

– Rối loạn khả năng điều tiết: Ở loại bệnh lý này, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đột ngột thay đổi điểm nhìn giữa xa và gần. 

– Co thắt điều tiết: Tình trạng này xảy ra khi các cơ thể mi co thắt quá mức. Người bệnh không thể thư giãn cơ thể mi khi nhìn xa. Việc này khiến cho người bệnh xuất hiện tình trạng nhìn xa mờ.

– Điều tiết kém: Đây là tình trạng thường xuyên gặp khi mà mắt phải tập trung trong thời gian dài, đặc biệt là sau một khoảng thời gian dài đọc sách hoặc sử dụng các thiết bị điện tử.

Dấu hiệu rối loạn điều tiết mắt

Tùy vào từng loại rối loạn mà người bệnh gặp phải mà các triệu chứng có thể xuất hiện khác biệt như:

– Mỏi mắt.

Song thị.

– Cay mắt.

Khô mắt.

– Chảy nước mắt.

– Mệt mỏi.

Ngoài ra, với mỗi loại rối loạn sẽ có những triệu chứng khác như:

Giảm khả năng điều tiết

Cơ thể mi không còn linh hoạt có thể khiến cho khả năng nhìn gần bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng sau:

– Mờ khi nhìn ở gần.

– Sau vài giờ đọc sách, thị lực không còn tốt như khi mới bắt đầu.

– Đau đầu khi nhìn ở gần.

– Mỏi mắt khi đọc.

– Phải để tài liệu ở xa để đọc rõ hơn.

Rối loạn khả năng điều tiết

– Khi đổi tầm nhìn từ xa sang gần hoặc ngược lại thì tầm nhìn mờ, phải mất một thời gian mắt mới có thể nhìn lại bình thường.

– Khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ đa nhiệm liên quan đến sự thay đổi các khoảng cách khác nhau.

Co thắt điều tiết

– Tầm nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa.

Điều tiết kém

– Không thể tập trung làm việc trong thời gian dài.

– Mắt bị mỏi sau khi đọc.

– Cần có thời gian nghỉ ngơi để hoàn thành công việc

Nguyên nhân rối loạn điều tiết

Nhìn vào các thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ dẫn tới mắt bị mỏi

Rối loạn điều tiết mắt do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số yếu tố có thể dẫn tới tình trạng này được kể đến như:

– Nhìn vào các thiết bị điện tử trong thời gian dài với khoảng cách quá gần.

– Làm việc trong môi trường với ánh sáng quá yếu hoặc quá mạnh.

– Làm việc không đúng tư thế, đọc sách và học bài liên tục trong nhiều giờ.

– Mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị hay loạn thị.

Rối loạn điều tiết mắt có nguy hiểm không?

Khả năng điều tiết mắt không hoạt động trơn tru có thể khiến cho các cơ của mắt hoạt động mệt mỏi hơn bình thường. Điều này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng cận thị giả. Trong trường hợp không được sử dụng thuốc giãn đồng tử để chẩn đoán, người bệnh rất có thể bị đeo kính oan.

Rối loạn điều tiết nếu không được điều trị có thể dẫn tới tình trạng cận thị

Ngoài ra, nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng rối loạn này có thể dẫn tới các bệnh lý khác như khô mắt, cận thị,…

Cách khắc phục

Để điều trị các rối loạn điều tiết mắt, bạn có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:

– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.

– Nghỉ ngơi đúng cách bao gồm thực hiện quy tắc 20-20-20 (Sau 20 phút làm việc tập trung nên thực hiện nhìn xa 20 feet ~ 6,1m trong 20 giây) và ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi hiệu quả.

– Làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, đảm bảo tư thế ngồi và khoảng cách đến màn hình từ 50-70cm.

– Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc các dung dịch chăm sóc mắt để giúp giảm khô mắt cũng như hỗ trợ làm dịu mắt.

– Khám mắt 6 tháng/lần hoặc theo các khuyến cáo khác của bác sĩ.

– Đeo kính râm vào những ngày trời nắng gắt.

– Bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, vitamin E, Omega-3, lutein,…

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về rối loạn điều tiết mắt. Khi gặp phải tình trạng này, bạn chỉ cần thay đổi thói quen kết hợp khám mắt định kỳ là có thể giúp mắt cải thiện tình trạng này.

Nếu cần tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. Accommodative Dysfunction (Eye Focusing Disorder), Wow Vision, truy cập ngày 23/07/2024

2. Accommodative Dysfunction, Optometrists Network, truy cập ngày 23/07/2024

3. Accommodative dysfunction, American Optomeric Association, truy cập ngày 23/07/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *