Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những bệnh diễn biến từ từ, khó được phát hiện ở giai đoạn đầu do các triệu chứng thường mờ nhạt. Cùng tìm hiểu các triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?
Tiểu đường là một bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu của cơ thể. Vì vậy, hệ thống mạch máu ở võng mạc cũng không phải ngoại lệ.
Khi đường huyết tăng cao kéo dài, các mạch máu nhỏ tại mắt dễ bị tắc nghẽn, nặng hơn là vỡ ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động của mắt. Điều này khiến cho chất dinh dưỡng cung cấp cho mắt, đặc biệt là võng mạc suy giảm.
Chất dinh dưỡng được đưa đến võng mạc giảm trong thời gian dài sẽ kích thích võng mạc tăng sản sinh ra các mạch máu mới. Những mạch máu này thường mỏng và dễ bị vỡ. Điều này dẫn đến việc dịch kính bị đục khiến thị lực bị ảnh hưởng.
⇒ Mời bạn tham khảo bài viết: Có những nguyên nhân gây bệnh võng mạc tiểu đường nào?
Triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường
Với những sự thay đổi của các cấu trúc bên trong võng mạc, các biến đổi về chức năng của bệnh sẽ diễn ra từ từ. Trong những giai đoạn đầu, đặc biệt là giai đoạn bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh thì các triệu chứng thường không xuất hiện hoặc diễn ra một cách không rõ ràng.
Tầm nhìn mờ
Sở dĩ xuất hiện tầm nhìn mờ là do khi các mạch máu bị vỡ, máu sẽ di chuyển đến vùng thủy tinh thể – cấu trúc phải trong suốt để khúc xạ ánh sáng hiệu quả. Khi ánh sáng khúc xạ không đúng cách, võng mạc sẽ không nhận được thông tin chính xác để truyền đến não. Điều này khiến cho tầm nhìn mờ đi.
Ngoài ra, việc các mạch máu nhỏ trong mắt hình thành nên các vi phình mạch có thể khiến cho các tế bào thần kinh ở võng mạc bị tổn thương. Khi các tế bào bị tổn thương đến giai đoạn nhất định có thể khiến cho sự phân tích hình ảnh của những tế bào này bị ảnh hưởng dẫn tới mù lòa.
Lưu ý, đặc điểm tầm nhìn mờ ở bệnh nhân tiểu đường có biến chứng võng mạc thường xảy ra đột ngột chứ không xuất hiện từ từ như những bệnh lý khác.
Đốm đen trong tầm nhìn
Khi các mạch máu bị vỡ sẽ khiến cho dịch kính không còn thuần nhất. Điều này khiến cho trong tầm nhìn sẽ xuất hiện những đốm đen, ruồi bay hoặc các đốm trong suốt lơ lửng trong tầm nhìn của người bệnh.
Lưu ý, các đốm đen này sẽ di chuyển theo hướng mà người bệnh nhìn chứ không biến mất khi thay đổi điểm nhìn.
Khó khăn trong việc nhìn ban đêm
Khi các tế bào thần kinh tại võng mạc không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng có thể bị mất đi. Do ban ngày ánh sáng được cung cấp đầy đủ nên trong giai đoạn đầu người bệnh có thể không nhận thấy sự khác biệt.
Vào ban đêm, ánh sáng yếu hơn, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt được các sự vật, đặc biệt là phân biệt các hình ảnh trong bóng tối.
Mất thị lực đột ngột
Khi các mạch máu vỡ nhiều, môi trường thủy tinh thể không còn đồng nhất mà chứa rất nhiều máu thì sẽ dẫn tới mất thị lực đột ngột. Khi gặp tình trạng này, người bệnh phải đến ngay chuyên khoa mắt để được điều trị.
Các triệu chứng khác
Ngoài ảnh hưởng đến võng mạc, bệnh lý tiểu đường sẽ gây tác động xấu đến tất cả các bộ phận của mắt. Một số triệu chứng về mắt, người bệnh có thể gặp phải là:
– Khô mắt.
– Nhìn lóa, chói mắt.
– Mỏi mắt.
– Nhức mắt.
Bị tiểu đường bao lâu thì biến chứng?
Không thể xác định rõ thời gian xuất hiện các biến chứng của tiểu đường kể từ khi chẩn đoán. Do có nhiều trường hợp khi phát hiện tiểu đường đã là những giai đoạn rất muộn và được ghi nhận là có tổn thương các cơ quan.
Theo một số thống kê, các biến chứng mạn tính (kể cả biến chứng về mắt) thường xuất hiện sau 5-10 năm kể từ khi ghi nhận bệnh được chẩn đoán. Các biến chứng có thể xuất hiện sớm hơn ở những người không kiểm soát lượng đường trong máu tốt.
Vì sao bệnh võng mạc tiểu đường cần được chẩn đoán sớm?
Như đã đề cập, khi xuất hiện các biến chứng tiểu đường ở mắt có thể đã là giai đoạn rất muộn, gây khó khăn trong việc điều trị. Vì vậy, việc tầm soát thường xuyên các biến chứng của mắt là vô cùng quan trọng. Bộ Y tế khuyến cáo, những đối tượng sau cần thực hiện tái khám mắt theo lịch:
– Không mắc bệnh võng mạc tiểu đường hoặc mắc bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh giai đoạn nhẹ và vừa: Tái khám 3-6 tháng/ lần, tùy thuộc vào các triệu chứng của mắt hoặc mức độ kiểm soát đường huyết của người bệnh.
– Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh giai đoạn nặng: Duy trì nhỏ hơn 3 tháng/ lần tái khám.
– Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh: Duy trì theo hướng dẫn của bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh (thường nhỏ hơn 1 tháng/lần).
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường. Đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng diễn biến âm thầm nên người bệnh tiểu đường cần phải thực hiện tầm soát thường xuyên để sớm phát hiện những biến chứng nguy hiểm kể cả khi không xuất hiện những triệu chứng cảnh báo.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về bệnh võng mạc tiểu đường hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc mắt, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Why is diabetic eye screening important?, Medical News Today, truy cập ngày 22/07/2024
2. What to know about diabetic retinopathy, Medical News Today, truy cập ngày 22/07/2024
3. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc đái tháo đường (Quyết định 2558/QĐ-BYT và Quyết định 2557/QĐ-BYT ngày 20/9/2022), Bộ Y tế, truy cập ngày 19/07/2024